Thế giới

Boeing thành lập trung tâm logistics trị giá 24 triệu USD tại Ấn Độ

Công ty hàng không vũ trụ Mỹ đã củng cố chuỗi cung ứng của mình ở Ấn Độ với hơn 300 công ty địa phương.

Ngày 13/2, gã khổng lồ Boeing cho biết hãng có kế hoạch đầu tư 24 triệu USD để thành lập một trung tâm logistics mới tại Ấn Độ trong khi chờ đợi một đơn đặt hàng lớn từ Air India, hãng hàng không thuộc sở hữu của tập đoàn Tât.

Air India dự kiến sẽ công bố thỏa thuận mua gần 500 máy bay phản lực trị giá hơn 100 tỷ USD theo giá niêm yết từ Boeing và Airbus. Thị phần của Boeing bao gồm 220 chiếc máy bay, bao gồm 190 máy bay phản lực thân hẹp 737 MAX, 20 máy bay thân rộng 787 và 10 chiếc 777X.

Trung tâm logistics Ấn Độ về cơ bản sẽ là một hệ sinh thái gồm các gói hỗ trợ toàn diện với khả năng tiếp cận phụ tùng thay thế thuận tiện hơn, giúp giảm bớt việc hủy chuyến bay hoặc hạ cánh do các vấn đề bảo trì.

“Chúng tôi vẫn chưa quyết định về vị trí của trung tâm logistics. Trước tiên, trung tâm này sẽ phục vụ cho hãng hàng không thương mại. Sau này, đây sẽ là nơi cung cấp phụ tùng cho máy bay quân sự”, ông Salil Gupte, Chủ tịch Boeing Ấn Độ cho biết.

Chủ tịch Boeing Ấn Độ Salil Gupte. Ảnh: forceindia.net

Động thái này diễn ra vào thời điểm Boeing đang thâm nhập sâu hơn vào thị trường máy bay một lối đi của Ấn Độ, trụ cột của đối thủ Airbus, giành được đơn đặt hàng từ hãng hàng không địa phương mới thành lập Akasa Air và SpiceJet.

Boeing dự báo các hãng hàng không của Ấn Độ sẽ cần 2.200 máy bay mới trong vòng 20 năm tới, phần lớn trong số đó là máy bay thân hẹp. Ông Gupte kỳ vọng đây sẽ là lĩnh vực trọng tâm của Boeing tại thị trường này.

Bên cạnh kế hoạch xây dựng Trung tâm Hậu cần Ấn Độ, Boeing đang tiếp tục mở rộng dấu ấn của mình tại quốc gia này với việc ra mắt Trung tâm hỗ trợ toàn cầu đầu tiên.

Trung tâm mới có trụ sở tại Gurgaon sẽ cung cấp các dự án nâng cao an toàn và cải thiện hiệu quả hoạt động cho các hãng hàng không, các cơ quan quản lý hàng không dân dụng và các bên liên quan khác trong ngành.

Trung tâm này cũng là nơi tiến hành các hội thảo và dự án kỹ thuật nhằm hỗ trợ độ tin cậy của máy bay, nâng cao hiệu suất của máy bay và khuyến khích áp dụng các hệ thống quản lý sức khỏe máy bay.

Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ toàn cầu sẽ cho phép Boeing làm việc với các nhà khai thác và cơ quan quản lý về việc tiếp tục phát triển các nghiên cứu công nghệ mới liên quan đến các sân bay và hãng hàng không.

Nguyễn Tuyết (Theo Times of India, Reuters, Simple Flying)