Giáo dục

Bốc thăm may rủi giành suất học cho trẻ - lỗi quy hoạch của người lớn

Quá tải trường học dẫn đến việc phụ huynh phải bốc thăm để “giành” suất học cho con trẻ chính là hậu quả tất yếu của việc xây dựng diễn ra chóng mặt.

Năm học 2022-2023 đã chính thức bắt đầu, sau 2 năm đại dịch mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Nhiều nơi đều lâm vào tình trạng lớp thiếu người dạy, trò thiếu nơi học.

Và nếu chính quyền địa phương không sớm có lời giải cho vấn đề này thì câu chuyện bốc thăm đi học sẽ không chỉ còn là hiện tượng nhỏ lẻ mà sẽ trở thành một giải pháp không ai mong muốn.

“Hăng hái” xây các khu đô thị

Đánh giá về thực trạng thiếu lớp, thiếu trường như hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, đại biểu Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, đây là mối quan hệ cung - cầu, học sinh thì nhiều nhưng trường lớp đáp ứng lại thiếu. 

"Việc này không chỉ diễn ra ở một vài nơi mà rất nhiều tỉnh thành cũng có, đặc biệt ở những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM,... Điều này đặt ra cho Chính phủ, ngành giáo dục bài toán làm sao có cung cầu hợp lý”, ông Tiến nói.

Ông nhắc lại về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, đặc biệt là trẻ em được quy định tại Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây là một quyền đương nhiên mà em được hưởng, mọi trẻ em không phân biệt điều kiện và hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập, được tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Tuy nhiên, trước thực trạng quyền học tập lại được trao thông qua trò may rủi khiến đại biểu lo ngại.

“Chúng ta nói nhiều về trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, chúng ta nói tương lai của đất nước trông vào các em, nhưng bao nhiêu năm vẫn rơi vào tình trạng thiếu lớp học, thiếu trường học. Nhu cầu học tập là chính đáng của toàn xã hội và chúng ta phải đáp ứng nhu cầu đó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đang thiếu trường mầm non công lập tại nhiều địa phương.

Vị đại biểu cũng cho rằng, điều này đặt ra bài toán cho chính quyền các địa phương không nên chỉ tập trung, “hăng hái” phát triển nhà cao tầng, xây nhà ở để bán kiếm lời mà phải đầu tư cho giáo dục, văn hóa. "Đó mới thực sự thể hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu", ông nói.

Ông Lê Như Tiến cho biết: “Thực tế cho thấy, khu đô thị phát triển nhưng vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa không phát triển tương ứng. Đây là tiếng chuông cảnh báo để chính quyền đô thị, đặc biệt là nhân dân thành phố Hà Nội phải có tầm nhìn xa, lo toan cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà”.

Ở đây, đại biểu cũng đặt ra câu hỏi thời gian qua Hà Nội có thêm được bao nhiêu nhà hát ? Có thêm bao nhiêu bệnh viện, trường học? Rạp chiếu phim rơi vào tình trạng gần như đóng băng và cũng không có những cái tên mới trên thị trường.

“Đây là bài toán cần sớm giải quyết, tiếng chuông cảnh tỉnh việc phát triển kinh tế phải song song với phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, đặc biệt là nhu cầu con người. Sự việc bốc thăm vào trường lần này là vấn đề đặt ra cho người làm chính sách phải có tầm nhìn xa hơn”, đại biểu đánh giá.

Nhiều địa phương lâm vào cảnh lớp thiếu người dạy.

Cây xanh, trường học chỉ được vẽ trên giấy

Dưới góc độ quy hoạch đô thị, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề thiếu trường tại các thành phố lớn như Hà Nội không phải do thiếu quỹ đất như nhiều người nghĩ.

“Điều này do công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Chúng ta cần phải tính đến mật độ dân cư, tính toán trên một địa bàn cụ thể có bao nhiêu dân, kèm theo bao nhiêu học sinh trong độ tuổi đi học. Từ đó xem xét có đủ xây dựng các công trình khi diện tích quá hẹp không? Diện tích xây dựng cho trường học đã đầy đủ chưa?”, ông Chính nói với Người Đưa Tin.

Một phường ở Hà Nội có cỡ khoảng 20.000-30.000 dân là phù hợp nhưng thực tế con số này lại lên đến 100.000 dân, tức gấp 2-3 lần quy mô dân cư một phường. Điều này, theo ông Chính là do việc bố trí xây dựng quá nhiều nhà chung cư trong một phường có diện tích nhỏ.

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Theo quy hoạch, khi xây dựng phải tính toán đến việc xây trường học, khu vui chơi, cảnh quan,… Nhưng thực tế khi chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng nhà ở, kiếm lãi nhanh, còn các công trình khác như công viên, khu vui chơi, cây xanh chỉ được "vẽ ra trên giấy".

“Quản lý phát triển dự án không theo kịp hoặc làm không đầy đủ, muốn làm gì thì làm là không được. Họ bán thật nhiều nhà để cha mẹ các cháu đến, nhưng khi đi học thì phải bốc thăm là không phù hợp. Điều này thể hiện phát triển không đồng đều, không có sự quản lý dẫn đến bất cập”, ông Chính đánh giá.

Có thể thấy, thiếu trường học không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các thành phố lớn, công tác chăm lo công tác học tập không tốt sẽ có nhiều hệ lụy sau này. Điều này cần phải sớm có giải pháp khắc phục.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, tính đến hết tháng 6/2022, toàn Hà Nội có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, hơn 138.000 giáo viên và gần 73.000 phòng học.

Năm học 2021 - 2022, trên địa bàn thành phố có 51 trường học được xây mới, thành lập mới với tổng đầu tư khoảng 2.885 tỷ đồng. Cải tạo, sửa chữa 605 trường với tổng kinh phí gần 5.008 tỷ đồng. Bố trí 1.464 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.