Góc nhìn luật gia

Bộ Y tế xem xét đề xuất cấm thuốc lá điện tử: Luật sư lo ngại "nói trước bước không qua"

Trước ý kiến xem xét đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử của bộ Y tế, luật sư cho rằng còn nhiều điều chưa rõ về căn cứ pháp lý để xây dựng quy định này.

Vừa qua, quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, thuộc bộ Y tế đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Các chuyên gia của bộ Y tế nhận định, sản phẩm thuốc lá điện tử đang được quảng cáo gây hiểu nhầm như là không gây hại và có tác dụng thay thế thuốc lá thông thường. Do vậy, bộ Y tế đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử.

Trước ý kiến này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đinh Minh Long, văn phòng luật sư Vì dân, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Thưa luật sư, xin ông cho biết quy định chung về quản lý thuốc lá hiện nay?

Nếu như xét đúng về mặt pháp luật thì cơ sở pháp lý của việc cấm thuốc lá điện tử hiện nay  khá lỏng lẻo. Các bộ, ngành hiện nay vẫn đang căn cứ vào luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (luật số 09/2013/QH13).

Cụ thể là tại khoản 2 Điều 5 thì bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá và có các nhiệm vụ, quyền hạn như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Tuy nhiên, trong luật này thì vẫn đang tồn tại một kẽ hở đối với việc quản lý thuốc lá điện tử.

Đó là tại khoản 1, Điều 2 thì khái niệm thuốc lá được quy định như sau: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Các mặt hàng thuốc lá điện tử được rao bán công khai trên mạng.

Như vậy, ý kiến xem xét đề xuất cấm thuốc lá điện tử có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hay không?

Cần phải hiểu rằng, thuốc lá điện tử không được sản xuất từ nguyên liệu cây thuốc lá.

Bản chất của thuốc lá điện tử là sử dụng nhiệt năng để đun nóng và hóa hơi các dung dịch có chứa nicotine. Do đó, theo đúng khái niệm trên thì thuốc lá điện tử không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Do vậy, cơ quan nhà nước không thể căn cứ theo luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để giao bộ Y Tế nghiên cứu, chủ trương quản lý và cấm sử dụng mặt hàng thuốc lá điện tử.

Nếu như muốn quản lý, cần phải ban hành những văn bản pháp luật mới, quy định rõ khái niệm thuốc lá điện tử là thế nào? Thuốc lá truyền thống là thế nào? Và cho ra một quy định chung để kiểm soát, quản lý cả hai loại mặt hàng trên.

Luật sư Trần Đinh Minh Long, văn phòng luật sư Vì dân, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Sau khi bộ Y tế chứng minh thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe thì cần thêm những bộ ngành nào để phối hợp xây dựng và thực hiện quy định này?

Trên thực tế, việc thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe hay không là vấn đề còn đang gây rất nhiều tranh cãi trên thế giới.

Nếu như quan điểm của Chính phủ là cấm kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử thì ngoài việc bộ Y Tế chủ trì ra còn phải có sự kết hợp của các cơ quan khác như Hải quan, bộ Công An, Quản lý thị trường…

Vì mặt hàng này hoàn toàn không được nhập khẩu một cách chính ngạch, không được đăng ký, cấp giấy phép và kê khai đầy đủ.

Thuốc lá điện tử đang lưu hành trên thị trường hiện nay đa số là được mua xách tay về từ nước ngoài thông qua những trang mạng… nên Hải quan không thể kiểm soát được hết.

Hiện nay ở các thành phố lớn, các cửa hàng bán thuốc lá điện tử vẫn đang hoạt động một cách công khai từ nhiều năm nay.

Những cửa hàng này đa phần không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế và chắc chắn là không có bất cứ một loại giấy phép nào trong việc kinh doanh, phân phối mặt hàng thuốc lá.

Việc này diễn ra là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan Quản lý thị trường, tuy biết nhưng vẫn cố tình để cho tồn tại mà không xử lý một cách nghiêm khắc.

Cảm ơn luật sư!