Sức khỏe

Bộ Y tế chỉ cách phòng chống nhiễm sán lợn hiệu quả nhất

Sán lợn đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình kể từ thông tin hơn 200 trẻ em ở Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn. Vậy, cách phòng chống nhiễm sán lợn hiệu quả nhất là gì?

VTC News đưa tin, theo bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, sán lợn được chia làm 2 thể bệnh chính là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành.

Tùy vào thể trạng, người bệnh khi nhiễm sán sẽ có những biểu hiện như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ… Nếu sán làm kén ở não sẽ gây nhức đầu, buồn nôn, nôn hoặc co giật, tê bì, khó ngủ hay mờ mắt.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết, sán lợn không phải bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể chữa khỏi được vì đã có thuốc đặc trị. Tùy thuộc vào mức độ và thể trạng mà bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị với từng người. Nhưng người dân nên được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán. Các loại thuốc thường dùng hiện nay để điều trị sán lợn là Praziquantel và Albendazole.

Sán lợn không phải bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể chữa khỏi được vì đã có thuốc đặc trị. (ảnh minh họa).

Liên quan đến việc nhiễm sán lợn ở người, thông tin trên báo Tiền Phong, để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân một số vấn đề sau:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Mộc Miên (Tổng hợp)