Tiêu điểm

Bộ trưởng Tài chính nêu lý do các bệnh viện xin thôi tự chủ toàn phần

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong hai lĩnh vực y tế, giáo dục cần rất thận trọng, chắc chắn.

Sáng 5/11, tại phiên chất vấn, trả lời thêm về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu.

Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.

Cụ thể như nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… cho nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức là sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng điều này là hợp lý, miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ.

“Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn”, Bộ trưởng Tài Chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính giải trình, làm rõ thêm vấn đề tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Giải trình thêm về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Tài chính cho biết tập trung ở 3 lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, y tế và khoa học công nghệ.

Giáo dục và y tế là 2 trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay, còn người dân được nhờ ở 2 lĩnh vực này. Theo ông Phớc nếu 2 lĩnh vực này được phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của người dân.

“Vì vậy, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực này cần rất thận trọng, chắc chắn hiệu quả, tránh việc làm một cách theo phong trào”, ông Phớc nhấn mạnh.

Lý do được ông Phớc đưa ra là, khi đặt tự chủ là để tăng tính chủ động, tính sáng tạo và tính tự quyết của đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo việc tự chủ tài chính 100% có nghĩa là sẽ thực hiện trả lương theo kết quả lao động, còn nếu đảm bảo tự chủ về chi thường xuyên thì trả theo quy định, và số tiền còn lại đưa vào quỹ thu nhập sẽ được khen thưởng vào cuối năm, và đó quyền của đơn vị để tái đầu tư cơ sở vật chất.

Còn nếu Nhà nước đảm bảo 100% thì chúng ta cũng đang khuyến khích khoán chi tài chính... Như vậy, thực hiện cuối cùng làm thế nào để đảm bảo chất lượng phù hợp với dịch vụ tốt nhất để phục vụ người dân.

Bộ trưởng Tài chính lấy ví dụ: Những đơn vị y tế, đặc biệt y tế công lập phục vụ người dân có thu nhập thấp, người dân nghèo. Ví dụ khi người dân vào chụp X-Quang ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ 45.000 đồng nhưng ra bệnh viện ngoài thì phải trả 500.000. Như vậy, rõ ràng người dân nghèo sẽ bị thiệt thòi.

Bệnh viện Bạch Mai xin thôi tự chủ toàn diện.

Cho nên, theo Bộ trưởng Phớc, nếu đơn vị nào chưa đảm bảo được tự chủ, chưa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài vào thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo, để luôn luôn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và luôn đảm bảo giữ được người giỏi trong hệ thống, làm thế nào phục vụ người dân tốt nhất.

“Tôi thấy cũng có quan điểm cho rằng phục vụ công cũng giống như phục vụ tư, miễn là có đóng góp cho xã hội là được. Nhưng, như tôi tìm hiểu ở Singapore thì việc trả lương của các công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Bởi, sẽ giữ được người giỏi để kiến tạo đất nước, xây dựng, hoạch định ra những chiến lược, quản lý Nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển. Vì thế, cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất ở trong bộ máy Nhà nước, để phục vụ nhân dân tốt hơn”, Bộ trưởng Phớc bày tỏ quan điểm.

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện thì có 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách này. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm, thời gian gần đây cả 2 bệnh viện tuyến Trung ương đều xin dừng tự chủ toàn diện bệnh viện.

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bệnh viện Bạch Mai ngày 18/8, TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.

"Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, nhưng bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa", TS. Dương Đức Hùng nói.

Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

Tương tự, Bệnh viện K cũng rơi vào "vòng xoáy" thiếu cơ chế khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều. Thông tin với báo chí, ông Quảng nói: “Sau hai năm thực hiện thí điểm, bệnh viện đã tổng kết, phân tích ưu, nhược điểm và thấy còn có nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được chuyển sang thực hiện tự chủ theo nhóm 2ở Nghị định 60, như Bệnh viện Bạch Mai đề xuất”.