Đối thoại

Bộ trưởng Tài chính: Đang xây dựng gói 23.000 tỷ hỗ trợ người lao động

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đang thiết kế để chi thêm 23.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm

Trả lời về việc thu bảo hiểm xã hội của các chủ hộ kinh doanh cá thể nhiều năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị định 01 về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn cho một số tỉnh về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, 54 tỉnh, thành phố đã thực hiện thu bảo hiểm bắt buộc với 4.200 đối tượng từ năm 2003, đến năm 2016 thì dừng lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1.330 đối tượng vẫn nộp bảo hiểm tiếp đến năm 2020.

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc thu tiền đóng bảo hiểm xã hội này, về bản chất, đạo lý không có vấn đề gì, nhưng chiếu theo quy định pháp luật lại vướng.

Ông Phớc phân tích, theo quy định thì đối tượng đóng bảo hiểm xã hội thì phải có hợp đồng giao kết lao động. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh cũng là người trực tiếp lao động song lại không có hợp đồng lao động với ai cả nên không thuộc diện đóng.

“Về bản chất họ vừa là chủ hộ vừa là lao động trực tiếp nên về bản chất có thể chấp nhận được, nhưng quy định pháp luật thì là sai đối tượng”, ông giải thích.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Quochoi.vn).

Về hướng giải quyết, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH để làm sao sửa Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói thêm về vấn đề hỗ trợ người lao động, bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với chất vấn của nhiều đại biểu trước đó.

Ông Phớc nói, năm 2021 Nhà nước đã chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến năm 2023, số dư quỹ còn lại là 58.357 tỷ đồng.

“Hiện chúng tôi đang thiết kế trình Chính phủ và Quốc hội là chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động”, ông Phớc thông tin và nêu rõ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm bằng mọi cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động..

Bộ trưởng Phớc phân tích, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, thì vấn đề lao động cũng theo thị trường.

Cho nên, đào tạo nghề cần theo dự báo đúng, nắm bắt được thị trường, đáp ứng nhu cầu người lao động mới thành công. Bên cạnh đó, cần sắp xếp, tổ chức các trường nghề cho chuyên nghiệp, hiện đại mới thành công.

Trước đó, khi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương đặt câu hỏi có nên đề nghị Trung ương lập Quỹ hỗ trợ người lao động như các gói hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung Quỹ quốc gia việc làm với địa phương hay không?

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, song cần suy nghĩ thấu đáo. Bộ trưởng cho hay, khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.