Đa chiều

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đừng xin từ chức

Tôi mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giữ vững tinh thần sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm như cách ông trả lời phỏng vấn chiều qua. Và nhất định, ông không nên xin từ chức!

Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Với 137 phiếu tín nhiệm thấp - tương đương 28,25%, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đứng thứ 48/48 trong danh sách các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này.

“Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo” – Tư lệnh ngành giáo dục trả lời về kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Xem thêm >>> Xếp hạng 48/48, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Câu trả lời trau chuốt, mạch lạc của Bộ trưởng xuất hiện ngay sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Chắc hẳn, với hàng loạt những vụ việc liên quan đến giáo dục thời gian qua, ông cũng đã lường trước được kết quả này.

Vậy ông sẽ làm gì để đáp ứng kỳ vọng của Đảng và nhân dân – sau khi kỳ thi THPT Quốc gia kết thúc với đầy rẫy sai phạm cùng hàng chục nhà giáo tra tay vào còng số 8? 

Ông sẽ có giải pháp quyết liệt thế nào – sau khi hết thế hệ học sinh này đến học sinh khác quay như chong chóng với chương trình giáo dục đổi mới từng năm?

Ông nghĩ các bậc phụ huynh sẽ kỳ vọng gì ở ngành giáo dục – sau khi vừa toát mồ hôi tìm sách cho con, lại chật vật đổi giờ làm để đưa con đi học theo ca vì trường không đủ lớp?

Tôi thấy người ta xầm xì về ba tiếng "xin từ chức". Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, riêng tôi, tôi nghĩ ông nhất định không nên xin từ chức. Trên thực tế, điều 10, Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ghi rõ: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức, Bộ trưởng Nhạ còn chưa quá 1/3, ông không thể xin từ chức! 

Tôi mong ông được ngẩng cao đầu trước khi thôi làm nghề "cao quý nhất trong những nghề cao quý".

Vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La còn chưa xét xử. Ông từng "xin nhận trách nhiệm" trước những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, nhưng đến nay ông vẫn im lặng. 

Những lời hứa "sẽ sửa đổi", cam đoan "sẽ chấn chỉnh", những giải pháp mang tính quyết liệt... mà ông nói trước nhân dân, trước nghị trường... còn chưa được thực hiện. Làm sao ông có thể xin từ chức?

Ông phải tiếp tục ngồi vững trên chiếc ghế của mình, để nhìn thấu những điểm tối trong ngành giáo dục từ trước đến nay. Rồi từ đó, ông và toàn ngành có thể sửa chữa và rút kinh nghiệm về sau.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

>>> Xem thêm: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn năm 2018