Chính sách

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Đa số nhân dân cho rằng dự án luật Giáo dục sửa đổi được xây dựng công phu"

Chiều 21/2, đã có nhiều ý kiến đóng góp về các vấn đề trong Dự án Luật Giáo dục sửa đổi sau khi Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Thường vụ Quốc hội.

Tại đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục sửa đổi.

Bộ trưởng Nhạ cho biết: "Đa số ý kiến nhân dân đều cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối tại các Nghị quyết của Đảng".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, ông Nhạ cho biết vẫn có một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề của giáo dục phát sinh trong thực tiễn. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Luật đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động giáo dục.

Tiếp thu ý kiến Nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo bộ GD&ĐT tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các chuyên gia để có những tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói về việc làm cho sinh viên Sư phạm:

Ông Phan Thanh Bình phát biểu, hiện nay, việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề như: số lượng đào tạo nhiều nhưng tuyển dụng ít dẫn tới dư thừa, lãng phí; đội ngũ nhà giáo vừa trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, vừa hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

“Cần quy định việc tuyển sinh theo nhu cầu đối với các trường sư phạm và chế độ tuyển dụng đặc thù riêng của ngành giáo dục (khác với quy trình tuyển dụng của Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập”, ông Bình cho hay.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải nâng chuẩn nhà giáo, đó là việc cần thiết, chứ chúng ta không thể cứ trình độ thế này mãi. Trong vấn đề việc làm cho sinh viên Sư phạm, ông Hiển đề xuất phải thay đổi, chứ không nên theo cách như bây giờ là đào tạo Sư phạm xong sau đó về cũng lại thi công chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thay đổi sẽ bắt đầu từ đầu vào ngành Sư phạm và kết thúc ở phần việc làm: “Thi đầu vào sư phạm cần phải nâng cao và khi ra trường đương nhiên được bố trí công việc. Vào trường Sư phạm là yên tâm được bố trí việc. Không phải phân bổ theo tỉnh này tỉnh kia, mà là phân bố việc làm cho sinh viên sư phạm theo hướng nơi nào cần là cho về. Nếu có chính sách thi đầu vào chặt chẽ, đầu ra đảm bảo thì sẽ nâng cao được chất lượng sinh viên sư phạm. Phải biến môi trường sư phạm thành một nghề mơ ước”.

Về nội dung liên quan đến bảng lương, tuyển dụng cho nhà giáo, trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không nên quy định một thang bảng lương mới cho giáo viên hay đặt quy định về mức phụ cấp. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quan điểm đối với bậc lương cho nhà giáo phải có ưu đãi để thu hút. 

Tương tự, Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ không nên có một chế độ tuyển dụng riêng cho bất cứ ngành nào. Việc này sẽ phá vỡ, vô hiệu hoá chế độ tuyển dụng trong Luật Viên chức. Về việc thừa thiếu cục bộ giáo viên có thể điều hoà để hạn chế về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cần thiết có một chính sách phân công công việc cho SVSP nhưng vẫn cần đảm bảo quy trình tuyển dụng trong Luật Viên chức.