Tiêu điểm

“Bộ trưởng phải là một nghề chuyên nghiệp”

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, bộ trưởng phải được coi là một nghề chuyên nghiệp, một chính trị gia, phải có chương trình hành động và có quyền lựa chọn ê - kíp cộng sự

3 tiêu chí của một bộ trưởng

Nhận định về chức danh bộ trưởng hiện nay, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, bộ trưởng phải là một chính trị gia và là một nghề chuyên nghiệp.

Theo đó, người làm bộ trưởng phải đạt được 3 tiêu chí: Thứ nhất, phải là người khởi xướng chính sách. Thứ hai, thuyết phục chính sách. Và cuối cùng, khi chính sách được thông qua thì phải tổ chức thực thi chính sách bằng hệ thống công quyền của mình.

Dưới góc nhìn của một ĐBQH, ông Vân cho rằng thời gian vừa qua, một số bộ trưởng chưa đảm nhiệm được vai trò là một chính khách chuyên nghiệp mà mới dừng ở mức độ là công chức hành chính.

“Thực tế thời gian qua, có bộ trưởng chỉ dựa vào bộ máy để lựa chọn các phương án chính sách, thay vì là người khởi xướng chính sách để bộ máy giúp việc hỗ trợ xây dựng chính sách. Là bộ trưởng nhưng họ không đưa ra được chương trình hành động để thể hiện được năng lực khởi xướng chính sách của mình”, ông Vân nói.

Cũng theo ĐBQH đoàn Cà Mau, những bộ trưởng thiếu kỹ năng hoạch định chính sách thì thường cũng yếu khả năng quản xuyến bộ máy, hạn chế khả năng diễn thuyết và không chú trọng việc thường xuyên tổng kết thực tiễn.

Từ những nhận định trên, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, là bộ trưởng bắt buộc phải có chương trình hành động. Chương trình hành động đó phải được trình trước Chính phủ, Quốc hội, phải trở thành lời cam kết, và được Chính phủ, Quốc hội giám sát suốt cả nhiệm kỳ. Nếu như không thực hiện được thì coi như vi phạm và bị thay thế.

“Nếu làm được như vậy, tôi tin sẽ có bộ trưởng xuất sắc ngay. Tôi xin nhấn mạnh: Bộ trưởng là chính trị gia, là một nghề chuyên nghiệp, là bậc anh tài, thể hiện được tinh hoa, trí tuệ”, ông Vân nhận định.

Vẫn còn một số bộ trưởng chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật bên hành lang Quốc hội sáng 8/4, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhận định: Trong những năm gần đây, qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng, tôi thấy đa số các Bộ trưởng đều đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tuy nhiên vẫn còn một số vị bộ trưởng chưa đáp ứng được.

“Tôi tin rằng những bộ trưởng được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu và phê chuẩn hôm nay là những người xứng đáng, họ sẽ hiểu được khó khăn vướng mắc của ngành mình, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt nhiệm vụ được giao”, bà Khánh nói.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nói về kỳ vọng ở các tân Bộ trưởng (ảnh, clip: H.Y)

Cũng theo đại biểu Khánh, tư lệnh ngành trước hết phải là người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, có kinh nghiệm thực tiễn, sâu sát trong lĩnh vực được giao, có khẩu khí, nói được làm được và đặc biệt là phải gương mẫu.

Bà Khánh nêu quan điểm: “Bộ trưởng nào không nắm được lĩnh vực mình quản lý mà phải chờ người khác tham mưu cho thì lý luận thường không thuyết phục, hay bị ĐBQH tập trung chất vấn.

Bộ trưởng phải gương mẫu, nói đi đôi với làm chứ không phải mới lên thì thể hiện tốt, một thời gian sau bắt đầu buông xuôi thiếu chặt chẽ để vi phạm xảy ra”.

Kỳ vọng đối với những bộ trưởng mới

Trước đó, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật bên hành lang Quốc hội sáng 6/4, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã có một số phát biểu thể hiện sự kỳ vọng đối với những bộ trưởng, trưởng ngành được bổ nhiệm trong kỳ họp này.

Theo bà Mai Hoa, việc bổ nhiệm các chức danh thành viên Chính phủ là một việc làm không chỉ để kiện toàn bộ máy Chính phủ mà điều quan trọng hơn là lựa chọn những người xứng đáng, đủ đức đủ tài để trở thành các tư lệnh ngành.

“Vai trò của một Chính phủ hành động được thể hiện rõ nét thông qua vai trò của các tư lệnh ngành”, bà Hoa nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) trả lời PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật.

Nhận định về nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm: Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại rất nhiều ấn tượng và có nhiều thành tựu lớn, trong đó các tư lệnh ngành đã phát huy vai trò rất tốt.

“Chúng tôi nhìn thấy ở bộ máy Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ vừa qua sự đoàn kết nhất trí đồng lòng. Tôi rất kỳ vọng là những bộ trưởng mới được lựa chọn lần này sẽ phát huy tốt hơn nữa”, bà Hoa nói.

Đồng thời, là ĐBQH chuyên trách trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bà Hoa bày tỏ mong muốn trong thời gian tới các bộ trưởng cần phát huy tích cực hơn trong lĩnh vực này.

“Chúng ta cần phải làm sao để phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, không vì phát triển kinh tế mà bị sao nhãng về lĩnh vực văn hóa. Về giáo dục, chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua dù đã được ghi nhận nhưng so với yêu cầu đặt ra thì chắc chắn là trong thời gian tới, Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo còn phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa và cần phải có nhiều giải pháp tốt hơn nữa thì mới có thể thực hiện được tốt việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, bà Hoa chia sẻ.

14 thành viên Chính phủ mới được bổ nhiệm bao gồm:

1.Ông Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

2.Ông Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng, giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

3.Ông Phan Văn Giang,  Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng bộ Quốc phòng, giữ chức Bộ trưởng bộ Quốc phòng.

4.Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực bộ Ngoại giao, giữ chức Bộ trưởng bộ Ngoại giao.

5.Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng bộ Nội vụ, giữ chức Bộ trưởng bộ Nội vụ.

6.Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữ chức Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7.Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng bộ Xây dựng.

8.Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giữ chức Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

9.Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc.

10.Ông Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực văn phòng Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ.

11.Ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, giữ chức Bộ trưởng bộ Tài chính.

12.Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội, giữ chức Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo.

13.Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, giữ chức Bộ trưởng bộ Công Thương.

14.Ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Nam Định, giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ.