Đối thoại

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận có hiện tượng tàu cá không về cập cảng

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện tượng tàu trên 15m không về cập cảng ở địa phương xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các tàu đi theo đàn cá.

Giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) đã tham gia đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan.

ĐBQH chia sẻ có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển nhưng yêu cầu phải đúng quy hoạch. Tuy nhiên, công tác tổ chức lập quy hoạch còn lúng túng nên cơ quan chuyên môn, nhà đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, hiện nay các tàu đánh cá có công suất lớn không về cập cảng tại địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản IUU. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để đảm bảo quản lý tàu cá thống nhất chung trên cả nước?

Toàn cảnh phiên chất vấn.

Giải đáp nội dung trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: "Theo thống kê, trữ lượng thủy sản ở biển Đông khoảng 3,9 triệu tấn. Hiện chúng ta đã khai thác tới 3,6 triệu tấn, nghĩa là đã đạt ngưỡng. Do đó, nuôi trồng là giải pháp gần như duy nhất để giảm cường lực khai thác".

Việc nuôi biển, Bộ trưởng thừa nhận, còn một số vướng mắc. Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Ông cũng nói thêm rằng, quy hoạch về không gian biển liên quan đến nhiều vấn đề về an ninh, quốc phòng. Do đó, cần tham khảo thêm nhiều bên liên quan.

Về vấn đề giám sát tàu cá, Bộ trưởng thừa nhận có hiện tượng tàu trên 15m không về cập cảng ở địa phương. Theo đó, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các tàu đi theo đàn cá. Khi đàn cá đi xa, vào vùng khơi, vùng lộng thì ngư dân rất khó trở lại điểm xuất phát. Những giải pháp hiện tại bằng công nghệ số khó có thể giải quyết được vấn đề này.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham khảo các phương pháp của các nước láng giềng như Thái Lan. Hiện Thái Lan có vùng biển gần tương đương Việt Nam, nhưng đội tàu chỉ khoảng 40.000, bằng một nửa so với chúng ta.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho biết, thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Bộ trưởng cho biết 5 giải pháp mà Bộ đề ra đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa? Và Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10/2023 tới không?

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.  

Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. 

3 trụ cột kinh tế biển

Tham gia chất vấn tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho biết, thủy sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung. Tỉ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm dần qua từng năm.

Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn có bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15 % so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát. 

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng trên, qua đó góp phần sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu?

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên).

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, ngành thủy sản bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản. Tỉ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm dần qua từng năm.

Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn có bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15% so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát.

Hiện Bộ NN&PTNT đã xác định rõ 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác - nuôi trồng - bảo tồn. Bộ cũng đã ban hành quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho vấn đề này chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng cho đến nay mới chưa đạt 0,12%.

Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Theo Bộ trưởng, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

Xem thêm:

>>>Giá lúa gạo tăng: Bình tĩnh để nhận định trước mặt trái

>>>Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản

>>>ĐBQH đau lòng khi Việt Nam phải nhập khoảng 600.000 tấn muối mỗi năm