Sự kiện

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Người bi quan thì luôn nhìn thấy khó khăn trong cơ hội"

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cần phải đưa tri thức khoa học, kiến thức thị trường tới người nông dân.

Chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã tham dự buổi tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng.

Một lần nữa, Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới thông qua vai trò ổn định an ninh lương thực bằng câu thành ngữ: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Đại dịch vừa qua thêm một lần nữa chứng minh tính đúng đắn của quan điểm này.

Theo Bộ trưởng, nông nghiệp là một ngành kinh tế mang tính chất bao trùm trong cả cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là một ngành đơn lẻ. Cần phải tích hợp đa giá trị vào đó, tạo lên một ngành nông nghiệp hội tụ đủ các khái niệm kinh tế, văn hóa và xã hội.

Xưa nay, chúng ta đánh giá một ngành nghề thường nhìn vào tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm Quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải thay đổi cách suy nghĩ, phải đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.

Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng với hàng chục triệu hộ nông dân mang tính lan toả rất lớn, đây sẽ là một sức mạnh nếu chúng ta biết cách kết nối. Đại dịch vừa qua đã chứng minh tính linh hoạt và năng động trong sản xuất của ngành nông nghiệp. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi tọa đàm (Ảnh VGP)

Bộ trưởng kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu 42,5 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong năm 2021 bởi có rất nhiều tín hiệu tích cực.

Quý IV thường là quý có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp, thông tin từ phía các hiệp hội, ngành hàng cũng rất khả quan. Thêm vào đó là chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống đại dịch, sự chủ động của các địa phương… đã tạo ra một hào khí cho các doanh nghiệp trên cả nước. Trong “nguy có cơ”, cơ ở đây là cơ hội, là điểm tựa để các doanh nghiệp xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động sản xuất đồng thời nhìn lại khả năng chống chịu rủi ro của mình để tích cực hơn.

Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 không phải quy hoạch lại ngành mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế tăng giá trị cho phù hợp với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới,

Nhận định về những tồn tại, Bộ trưởng cho rằng “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 trở ngại lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của Chính phủ trong thời gian tới là mở cửa, phục hồi và phát triển nền kinh tế, chuyển hướng tư duy từ phòng chống dịch sang xác định sống chung với dịch. Nếu trong trạng thái “bình thường mới” không thay đổi được những điều này, doanh nghiệp - nông dân - chính quyền không kết hợp để tạo lên sức mạnh đoàn kết thì nông nghiệp Việt Nam sẽ vẫn rơi vào một vòng luẩn quẩn.

"Đừng đẩy nông dân - doanh nghiệp về hai bờ chiến tuyến, cần phải kết nối trên cơ sở niềm tin xã hội. Chấm dứt ngay tình trạng so đo, đố kỵ để 2 bên thực sự trở thành những đối tác tin cậy của nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh về sự quan trọng của tinh thần đoàn kết.

Bộ trưởng lưu ý về tầm quan trọng của mô hình Hợp tác xã hay nông hộ nhỏ lẻ trong chuỗi sản xuất và cho rằng, đôi lúc vẫn còn những quan điểm chưa đúng, “lo đón đại bàng mà quên lót ổ cho chim sẻ”, chưa chăm sóc thỏa đáng, ít coi trọng giá trị đóng góp của khu vực này trong bức tranh phát triển toàn cảnh của nền nông nghiệp.

Cần phải đưa tri thức khoa học, kiến thức thị trường tiếp với người nông dân.

Việt Nam đã thành công ký kết Hiệp định thương mại EVFTA với EU từ 2019, đã giúp nông sản Việt Nam mở ra một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường này còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng thị trường, chỉ chiếm 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU, chủ yếu phân phối qua các cửa hàng nhỏ lẻ của người gốc Á. Chỉ khi đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối chính quy của châu Âu thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia, mới có sức lan tỏa, khiến người tiêu dùng châu Âu biết đến nhiều hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phối hợp toàn diện, liên hệ chặt chẽ với các Đại sứ quán tại EU để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Thông tin do Đại sứ quán nước sở tại cung cấp là một kênh thông tin rất hữu ích, mang tính chất thực tiễn và nghiên cứu cao.

"Người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, người bi quan thì luôn nhìn thấy khó khăn trong cơ hội. Chúng ta phải tạo được một niềm tin xã hội. Khi đại dịch, chúng ta có thể đoàn kết, hy sinh thì hãy đưa tinh thần đó vào trong cuộc sống đời thường để hợp tác và sẻ chia", Bộ trưởng động viên.

Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa thông tin, Bộ trưởng mong muốn báo chí đồng hành cùng ngành nông nghiệp, giúp quảng bá hình ảnh ra thế giới và cập nhật kịp thời các thông tin, diễn biến quốc tế để doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng, đặc điểm thị trường, từ đó đưa ra những kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp.