Tiêu điểm

Bộ trưởng KH&ĐT giải trình về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Đất đai, Đấu thầu..

Sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, đây là một vấn đề mà “các đại biểu nêu rất nhiều”.

“Chúng tôi cũng xin báo cáo làm rõ để thấy được toàn bộ bức tranh của vấn đề giải ngân đầu tư công và cũng rất mong các đại biểu Quốc hội sẽ góp ý, Quốc hội đồng hành, hỗ trợ để tháo gỡ cùng với Chính phủ trong thời gian tới có thể giải quyết căn cơ được vấn đề này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về thực trạng, Bộ trưởng cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Trong đó, có nhiều đổi mới quan trọng, căn bản như là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp. Cùng với đó, đổi mới tư duy, phương pháp, kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang trung hạn 5 năm và từ quản lý bằng văn bản dưới luật đến bằng Luật Đầu tư công…

“Thực trạng đầu tư công cũng như các nguyên nhân và giải pháp có rất nhiều vấn đề”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận Quốc hôi sáng 2/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

Vấn đề đầu tiên Bộ trưởng đề cập, đó là đầu tư công không những bị chi phối bởi Luật Đầu tư công, mà còn bị chi phối bởi rất nhiều luật khác, như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản…

“Rất nhiều luật. Trong cùng một lúc chúng ta phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, mà các khâu trong một quy trình đó không được làm trước, phải xong cái này mới được làm cái kia, thế nên mỗi một khâu theo từng luật đó phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian như vậy”, Bộ trưởng giải trình.

Do vậy, giải pháp căn cơ mà Bộ trưởng đề xuất là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như các quy định của các pháp luật khác liên quan, chứ không phải là chỉ Luật Đầu tư công.

“Chúng ta không thể giải quyết ngày một, ngày hai vấn đề này là vì như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ.

Trong khi đó, về vấn đề điều hành, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ “đang rất quyết liệt”. Bởi thế, Bộ trưởng hy vọng, “sẽ đạt được các kết quả cao hơn và tích cực hơn trong thời gian tới” và bày tỏ mong muốn rằng, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát ở các bộ, các ngành cũng như ở các địa phương của mình, để làm sao giúp cùng với Chính phủ trong việc đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân ở các bộ, ngành và địa phương.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Liên quan 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt đầu tư của từng chương trình, cũng như nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, danh sách các đối tượng phân bổ vốn, phê duyệt các nội dung, đề án, chương trình...

“Vấn đề này Thủ tướng đã có các quyết định và cũng đã giao cho các bộ, ngành, cơ quan chủ quản các chương trình, mục tiêu căn cứ vào dự toán mục tiêu, nhiệm vụ được giao thực hiện phân bổ, giao chương trình và triển khai nhanh trong thời gian tới”, Bộ trưởng giải tỏa nỗi lo của các đại biểu Quốc hội như vậy.

Trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, về đầu tư công, Chương trình Phục hồi kinh tế hay là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thì Chính phủ đều xác định đây là những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm quan trọng trong điều hành của Chính phủ.

“Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh hiệu quả triển khai các chương trình này theo Nghị quyết của Quốc hội và theo mong muốn của cử tri và phát biểu của các đại biểu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.