Kinh tế vĩ mô

Bộ trưởng KH&ĐT: Liên kết vùng tốt sẽ tận dụng được các tiềm năng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc liên kết, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu làm tốt sẽ hạn chế được việc triệt tiêu động lực của các địa phương.

Sáng 14/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 cho khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức họp trực tuyến với các địa phương.

Các địa phương đều thuộc top cao về thu hút đầu tư

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2021, hầu hết địa phương miền Bắc đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế có thể không đạt được như đề ra. Tuy nhiên, một số địa phương tổ chức kiểm soát dịch bệnh tốt vẫn phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép”.

Do đó, một số chỉ tiêu dự kiến vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra như: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, thu nội địa, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một số địa phương có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Quảng Ninh tăng trưởng năm 2021 trên 10,5% (kếhoạch 10%), Bắc Ninh 6,45% (kế hoạch 4 - 5%), Ninh Bình 8% (kế hoạch 8%), Nam Định 8,5% (kế hoạch 8,5%), Hà Nam 9,3% (kế hoạch 9,1%).

Bên cạnh đó, cơ bản các địa phương còn lại xác định không đạt mục tiêu đề ra như: Hà Nội ước đạt 4,54% (kế hoạch đề ra 7,5 - 8%), Hải Phòng ước đạt 12,82% (kế hoạch 13,5%), Hưng Yên 6,32% (kế hoạch 7,5%), Vĩnh Phúc 6,88% (kế hoạch 8,77%), Thái Bình 5,75% (kế hoạch 9,1%).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên hội nghị sáng 14/9. (Ảnh: MPI)

Cơ bản các địa phương của vùng đều nằm trong top cao về thu hút đầu tư, trong đó, Hải Phòng dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 cả nước (sau Long An, Tp.HCM, Bình Dương, Cần Thơ) với tổng vốn đăng ký đạt 1,3 tỷ USD, tiếp theo là Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương.

“Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau”, Bộ trưởng nêu rõ.

Do đó, trong những năm tiếp theo, các địa phương giáp ranh với nhau phải chủ động, phối hợp đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực nổi bật.

Tích cực triển khai hoạt động liên kết vùng trong khuôn khổ tuyến “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thúc đẩy mở tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế từ Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Tập trung phát triển 3 trụ cột chủ yếu

Trong năm 2022, Bộ KH&ĐT dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Trong nước, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, Chính phủ thực hiện mọi giải pháp để có thể có đủ lượng vắc-xin Covid-19 tiêm cho người dân đáp ứng miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Đây là cơ sở để kinh tế Việt Nam dần phục hồi.

Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nước đang phát triển đầy tiềm năng với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới.

Bộ KH&ĐT dự báo tăng trưởng GRDP của miền Bắc năm 2022 đạt khoảng 7,91%. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hàng hóa sẽ đạt khoảng 110 triệu đồng/năm. Các tỉnh miền Bắc dự kiến xuất khẩu khối lượng hàng hóa ước đạt khoảng 98 tỷ USD.

Sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.

Định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của vùng Đồng bằng sông Hồng là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại (ảnh: Hữu Thắng).

Để đạt được mục tiêu nói trên, Bộ KH&ĐT đặt ra các nhiệm vụ với các tỉnh, thành thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, Bộ yêu cầu việc tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn của Vùng, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, phải cơ cấu lại ngành du lịch toàn Vùng, là một trọng tâm phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Xây dựng kịch bản phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới, kết nối các điểm đến du lịch thành các tour, tuyến du lịch liên kết để tăng cường quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch đến với các tỉnh.

Xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện trước, trong và sau Sea Games và một số sự kiện du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại.

Điều chỉnh cơ cấu trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các dự án có công nghệ cao, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, lao động, tạo nguồn thu ngân sách lớn, thân thiện mới môi trường.

Tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu phát trển các sản phẩm mới, nhất là sản phẩm giá trị cao từ nông sản; các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Hoàn thiện các bước triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo đúng thời gian quy định để tạo điều kiện dẫn dắt các hoạt động phát triển và khắc phục những bất lợi về năng lực cạnh tranh, củng cố lại tiềm năng và lợi thế phát triển.

Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; tiếp tục xây dựng kho dữ liệu tập trung, hệ sinh thái dữ liệu mở…

Khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm 10 tỉnh, thành: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc.