Đối thoại

Bộ trưởng GD&ĐT: Năm 2024, sinh viên đào tạo dạy học tích hợp sẽ ra trường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đổi mới là một quá trình, chúng ta đổi mới bắt đầu từ cái cũ, nên cần có từng bước để giáo viên không quá áp lực.

Nhiều giáo viên đã thích ứng được các môn tích hợp

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu, ngày 29/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Tuy nhiên, qua giám sát ở địa phương cho thấy còn nhiều trường trung học cơ sở đang rất vất vả, khổ sở khi phải bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy tích hợp nhiều môn Lịch sử - Địa lý và môn Khoa học tự nhiên.

Một trong những nguyên nhân đã được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là “Công tác đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và môn học mới triển khai còn chậm, tính dự báo và kế hoạch không cao”.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao việc thực hiện đề án nêu trên còn chậm? Bộ đã và đang thực hiện giải pháp gì để khắc phục và đến khi nào thì khắc phục được tình trạng trên”, ông Tuấn nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đề án 732 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2016, đây là một đề án có tính chất khung, định hướng để tăng cường bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý để phục vụ cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nếu như không có và không triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì việc bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy vẫn được tiến hành một cách bình thường.

Trong đề án này, vì không tính kinh phí cụ thể nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tìm kiếm các nguồn lực, hoặc từ ngân sách, hoặc từ các nguồn ODA, hoặc từ các nguồn tài trợ xã hội... để có thể bồi dưỡng giáo viên, phục vụ cho đổi mới.

Trong đó, dự án ETEP là một trong những triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện định hướng của đề án trên. Với việc triển khai dự án ETEP từ cuối năm 2016 - đầu năm 2017, với 27 mô-đun được triển khai, hầu hết các giáo viên ở 3 cấp đã được tập huấn để thích ứng với các phương pháp dạy học mới, đồng trục, đồng hành với những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 xuất hiện sau đó.

Và kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành và đi vào triển khai trên thực tế, mới có căn cứ cần phải có giáo viên dạy môn tích hợp và các trường sư phạm cũng mới có căn cứ để triển khai chương trình đào tạo và mới có thể tuyển sinh.

"Chúng ta đều biết, để đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, không phải bắt đầu bằng một đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới mà phải bắt đầu từ lực lượng cũ đã và đang được tập huấn, hỗ trợ, những giáo viên năng động, tích cực tham gia tập huấn và tích cực trong thực tế, nhiều người đã thích ứng được với các môn tích hợp", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, các địa phương tùy theo khả năng của các giáo viên, sắp xếp 2-3 giáo viên cùng dạy các mạch kiến thức trong môn tích hợp, điều này Bộ cũng đã hướng dẫn trong các nhà trường.

"Không nhất thiết yêu cầu giáo viên cùng lúc dạy 2-3 mạch kiến thức đối với các môn tích hợp mà tùy theo năng lực của giáo viên để có từng bước phù hợp, tránh căng thẳng cho giáo viên", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh, đổi mới là một quá trình, chúng ta đổi mới bắt đầu từ cái cũ, nên cần có từng bước để giáo viên không quá áp lực, có thể từng bước, từng bước thích ứng và truyền tải được chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Một tin vui là những lứa sinh viên đào tạo đúng theo hướng dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024 tới đây. Như vậy, vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước, từng bước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Bộ GD&ĐT thẩm định chuyên môn, Bộ Tài chính phê duyệt giá

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhưng trong quá trình thực hiện có nhiều vấn đề, tại sao tiến hành xã hội hóa sách giáo khoa, giá sách giáo khoa lại tăng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa tranh luận.

Theo ông Hòa, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội cũng không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo không được quyền sản xuất sách giáo khoa. Vị đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác.

Ông Hòa cũng nêu thực tế, trước mỗi năm học, học sinh và phụ huynh rất buồn và lo lắng bởi giá sách giáo khoa tăng giá. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản khác, khi Nhà nước cần thiết định giá tiến tới nhà nước không thu phí sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn.

Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thực tế, giá sách giáo khoa chưa rẻ như mong muốn, không rẻ được như thời Nhà nước trợ giá, bao cấp hoàn toàn.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn; còn vấn đề tài chính, Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản”.

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp.