Thế giới

Bộ trưởng Đức phản đối EU làm điều này đối với xe điện Trung Quốc

“Hôm nay là ô tô, ngày mai sẽ là các sản phẩm hóa học, và mỗi bước đi như vậy đều khiến thế giới trở nên nghèo hơn”, vị quan chức Đức nói.

Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing đã lên tiếng phản đối mức thuế bảo hộ có thể được Liên minh châu Âu (EU) áp đối với xe điện Trung Quốc.

“Về nguyên tắc, tôi không nghĩ nhiều đến việc dựng lên các rào cản thị trường”, ông Wissing nói với tờ báo Đức Augsburger Allgemeine phát hành ngày 25/9.

“Hôm nay là ô tô, ngày mai sẽ là các sản phẩm hóa học, và mỗi bước đi như vậy đều khiến thế giới trở nên nghèo hơn”, vị Bộ trưởng đến từ Đảng FDP thân thiện với doanh nghiệp cho biết. “Chúng ta phải đảm bảo có thể sản xuất xe điện một cách cạnh tranh – cho thị trường Đức và thị trường thế giới”.

Mặt khác, ông Wissing cảnh báo, một cuộc chiến thương mại có thể nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác và gây thiệt hại kinh tế lớn.

Hồi giữa tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU đã bắt đầu một cuộc điều tra xem có cần áp thuế quan bổ sung – được gọi là thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp – đối với những chiếc ô tô điện giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn vào thị trường châu Âu với tốc độ và quy mô có thể đe dọa ngành sản xuất xe điện của chính EU.

Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing (trái), thành viên Đảng FDP thân doanh nghiệp, và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (giữa), thành viên Đảng Xanh, tại hội nghị hàng không quốc gia lần thứ ba tại Lufthansa Technik, ở Hamburg, Đức, ngày 25/9/2023. Ảnh: IMAGO

Theo các chuyên gia, đối với ngành công nghiệp ô tô Đức, nơi Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, biện pháp này sẽ là một mối đe dọa. “Có một rủi ro rất lớn. Chúng ta cần hợp tác với Trung Quốc chứ không phải chiến tranh thương mại”, ông Ferdinand Dudenhoeffer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô ở Duisburg, cho biết.

Theo Volkswagen, hơn 1/3 số xe mà nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức  giao trong tháng 8 là đến tay khách hàng ở Trung Quốc. Là một phần của chiến dịch “Tại Trung Quốc vì Trung Quốc”, Volkswagen gần đây đã tăng cường cam kết của mình với quốc gia này bằng cách mua 4,99% cổ phần của công ty khởi nghiệp xe điện XPeng của Trung Quốc. Trong khi đó, thương hiệu Audi của tập đoàn tiếp tục mở rộng hợp tác với đối tác liên doanh Trung Quốc SAIC.

Các nhà sản xuất ô tô khác như Geely (Trung Quốc) và Mercedes-Benz (Đức) cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo đó, Bộ trưởng Giao thông Đức Wissing nói: “Chỉ có thương mại quốc tế trên thị trường toàn cầu mới tạo ra sự thịnh vượng”.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hồi đầu tháng này rằng Trung Quốc và EU có không gian hợp tác rộng rãi và lợi ích chung trong ngành công nghiệp ô tô, đồng thời cho biết thêm rằng sau nhiều năm phát triển, hai bên đã hình thành một mô hình hỗ trợ lẫn nhau.

Trung Quốc coi cuộc điều tra của EU là chủ nghĩa bảo hộ, và cảnh báo rằng nó sẽ gây tổn hại đến quan hệ kinh tế song phương.

Ngược lại, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lại hoan nghênh bước đi này và nói rằng EU phải hành động nếu cuộc điều tra phát hiện ra những vi phạm lớn về quy tắc cạnh tranh.

Minh Đức (Theo CGTN, Reuters)