Chính sách

Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn: Ma tuý vận chuyển tính theo tấn, Bộ trưởng Tô Lâm lên tiếng

Trước những câu hỏi chất vấn của đại biểu về vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm khẳng định hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy và Việt Nam không thể trở thành trung tâm trung chuyển của ma túy.

Ngày 4/6, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm là người đầu tiên của Chính Phủ trả lời chất vấn các đại biểu trong phiên họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngay đầu phiên làm việc đã có 49 đại biểu đăng ký chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành buổi làm việc sáng 6/4.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các Bộ trưởng sẽ không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu 5 phút trước khi trả lời chất vấn. Sẽ có 5 đại biểu chất vấn mỗi lần, mỗi đại biểu chỉ hỏi một phút, người trả lời có tối đa 3 phút để trả lời.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu nêu câu hỏi rõ ý, hạn chế đi sâu vào vụ việc cụ thể. Đại biểu có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng chỉ có tối đa 2 phút. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tranh luận chỉ diễn ra giữa người hỏi và người trả lời. Đại biểu không tham gia chất vấn không được tranh luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn vừa qua đã giúp nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, đóng góp vào sự phát triển chung. Với tinh thần trách nhiệm, sự tích cực chủ động của các thành viên Chính phủ, cùng sự chuẩn bị của cơ quan hữu quan, phiên chất vấn sẽ đạt chất lượng như cử tri mong đợi. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ có Nghị quyết để giám sát việc thực hiện những cam kết khi chất vấn.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là tình hình phức tạp của tội phạm ma túy, đặc biệt trong thời gian qua bắt được rất nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn, mà Việt Nam trở thành trung gian vận chuyển đi các nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) là người đầu tiên chấp vấn Bộ trưởng Tô Lâm. “Các loại tội phạm ma túy, tín dụng đen gây bức xúc, thảm án liên quan đến sử dụng ma túy. Trách nhiệm lực lượng chức năng địa bàn như thế nào, giải pháp sắp tới như thế nào?”, đại biểu Mai Hòa đặt câu hỏi.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: “Cử chi quan tâm bức xúc về vấn đề chuyển buôn bán ma túy. Không tính bằng gam, tính bằng tấn. Điều đó cho thấy công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế, ma túy len lỏi đến cả vùng nông thôn. Trách nhiệm của Bộ ở đâu, có giải pháp căn cơ gì?”.

Chỉ trong 5 phút, Bộ trưởng Tô Lâm nhận được 5 câu hỏi liên quan đến vấn đề tội phạm ma túy. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua ý kiến câu hỏi của các đại biểu, cũng như ý kiến các đại biểu trong phiên thảo luận về vấn đề Kinh tế - Xã hội trước đây ông nhận thấy đây là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cử tri.

“Trước hết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm công tác chỉ đạo phòng chống, Bộ Chính trị có chỉ thị, Quốc hội quan tâm, có hình phạt nghiêm khắc. Các Bộ cũng có sự phối hợp trong công tác đấu tranh xử lý”, Bộ trưởng Tô Lâm thể hiện sự quyết tâm đấu tranh với tội phạm ma túy của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Mai Hoa đoàn Đồng Tháp mở đầu câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng bộ Công an cũng khẳng định, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, không có quốc gia nào tự giải quyết được. “Chúng tôi đã tính tới nguy cơ, vị trí đất nước gần tam giác vàng, nhưng trên thế giới thì vẫn nhiều nước hợp pháp hóa về ma túy. Còn ở khu vực ASEAN, đã có lập trường chung về phòng chống ma túy. Năm 2018, Bộ Công an chủ trì hội nghị phòng chống ma túy cấp Bộ trưởng ASEAN. Các nước ASEAN đều đoàn kết chống loại tội phạm này”.

Đại tướng Tô Lâm cũng cho hay, thời gian gần đây, vấn đề về tội phạm ma túy đang có những diễn biến phức tạp: “Năm 2018 đã ngăn chặn lượng ma túy lớn, chủ yếu Tây Bắc (các tỉnh Hòa Bình, Sơn La). Sau khi bị trấn áp, các đối tượng chuyển hướng vào miền Trung, miền Nam. Hoạt động này có sự can thiệp, chỉ đạo từ các đối tượng ở nước ngoài (Lào, Campuchia, Phillippines, Malaysia)”.

Về băn khoăn của các đại biểu khi Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành trung tâm trung chuyển của ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm đáp: “Với sự quyết tâm cao, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy, Việt Nam không thể trở thành trung tâm trung chuyển của ma túy”.

Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về những khó khăn, thách thức của chúng ta trong việc phòng chống tội phạm này, vị tư lệnh ngành công an cho hay: “So với một số nước trong ASEAN, chúng ta đang kiểm soát được, nhưng số người nghiện trong nước đang tăng lên khiến đây là thách thức lớn. Tình hình tội phạm ma tuý đang có những diễn biến rất phức tạp”.

“Việc đơn giản hóa các thủ tục đưa người vào cai nghiện, tội phạm sử dụng ma túy đã bỏ ra ngoài, chúng ta đang nghiên cứu để đưa và sửa đổi luật pháp. Tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước, lực lượng công an có tuyên truyền với loại tội phạm này, khẩn trương quan tâm tháo gỡ. Chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chống ma túy.

Một khó khăn nữa là thủ tục hàng hóa thông quan ở biên giới quá thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp buôn bán kinh doanh, nhưng lại là kẽ hở để các đối tượng buôn ma túy lợi dụng chính sách này. Thậm chí, chúng còn tính rằng buôn ba vụ mà bị bắt hai vụ thì vẫn có lời”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Khẳng định quyết tâm về phòng chống tội phạm ma túy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Đây là trách nhiệm cả hệ thống chính trị, từng gia đình. Mới chiều hôm qua có 1 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương nặng khi bắt tội phạm ma túy. Thời gian qua ngành công an, biên phòng phối hợp tốt, phát hiện nhiều vụ. Nếu không chặn được, chúng ta hình dung được nó gây hậu quả thế nào tới thế hệ trẻ”.

Công Luân - Thành Huế - Hoàng Bích