Tiêu điểm

“Bộ trưởng có còn thương mến Bình Dương không?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng GTVT nói rằng, địa phương nào Bộ cũng quan tâm, vùng chiến lược đột phá thì phân ra trước mắt và lâu dài. Bình Dương thì là trước mắt.

Vùng chiến lược đột phá sẽ phân ra trước mắt và lâu dài

Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng 9/6, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đặt vấn đề: Tuyến đường 1K có đoạn dài 6 km qua Tp.Dĩ An (Bình Dương) đã được nhà đầu tư BTO bàn giao lại cho Bộ, nhưng trạm thu phí thì chưa dỡ bỏ, điện chiếu sáng đã hư hỏng nặng.

UBND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản cho Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho lắp lại hệ thống chiếu sáng và đề nghị Bộ bàn giao tuyến đường trên cho Bình Dương quản lý, song đến nay vẫn chưa giải quyết.

“Qua đại biểu Quốc hội, cử tri gửi đến Bộ trưởng hai câu hỏi. Một là Bộ trưởng có còn thương mến Bình Dương không? Hai là nếu còn thì khi nào kiến nghị trên sẽ được xử lý”, ông Huân chất vấn.

Với câu hỏi chất vấn của đại biểu Huân, Chủ tịch Quốc hội nói rằng: Vế một thì dễ trả lời, chắc là yêu và còn yêu hơn, nhưng “đến bao giờ” thì chắc là khó.

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, địa phương nào Bộ cũng quan tâm, địa phương nào có điều kiện phát triển kinh tế tốt, có dư địa lớn, nếu đầu tư tạo điều kiện hơn thì sẽ đem lại lợi ích quốc gia lớn hơn.

Còn các vùng khó khăn thì sẽ hơi chậm một chút, vùng chiến lược đột phá thì phân ra trước mắt và lâu dài. “Bình Dương, khu vực miền Đông Nam Bộ là trước mắt”, Bộ trưởng nói.

Do đó Quốc lộ 1K mà đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét. Quan điểm của Bộ là khi có tuyến tránh, tuyến quốc lộ thì tuyến cũ, đi trong đô thị phải bàn giao cho địa phương, để địa phương phát triển, khai thác tốt nhất vì đã có tuyến tránh thay thế rồi.

“Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Tôi cũng chỉ hứa được là nhanh nhất có thể vì chưa biết thực tế có vướng mắc gì. Tôi giao Tổng cục Đường bộ rà soát để trả lời riêng cho đại biểu”, ông Thể nói.

Tuyến kết nối cao tốc phụ thuộc quy hoạch địa phương

Đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn Tp.HCM) hỏi: Đầu tư cho giao thông không chỉ là nhằm giải quyết lưu thông mà còn giải quyết thông thương, kết nối phát triển kinh tế. Nghĩa là giao thông phải có nhiều điểm kết nối, nhưng thực tế có nhiều tuyến cao tốc một số tuyến không hiệu quả, một số lại quá tải, ùn ứ.

"Phải chăng là do không kết nối được vùng có đường cao tốc đi qua, người dân khó tham gia giao thông", ông Phong chất vấn.

Ông Phong tiếp tục đặt vấn đề: Trong dự án Vành đai 3 Tp.HCM, quá trình trình dự án thành phố phải rà soát cắt giảm một số tiêu chí, trong đó có điểm kết nối. Như vậy mục tiêu kết nối phát triển kinh tế không hoàn thành? Hiện tuyến cao tốc Trung Lương – Tp.HCM ngừng thu phí, xuống cấp trầm trọng, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cấp và nâng cao hiệu quả tuyến đường?

Đại biểu Lê Thanh Phong (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời, Bộ trưởng Thể cho hay, địa phương quy hoạch thì mới biết chỗ nào là nút giao để làm đường kết nối vào trung tâm huyện, xã, khu công nghiệp... Chưa có quy hoạch địa phương thì biết chỗ nào là nút giao.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương khẩn trương điều chỉnh quy hoạch giao thông để kết nối với các tuyến đường quốc gia. Qua đó Bộ sẽ phối hợp với địa phương bổ sung nút giao làm từ ngân sách trung ương, địa phương, để tăng tính kết nối, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về nút giao thông Vành đai 3 Tp.HCM, ông Thể cho biết quy hoạch vẫn có nhưng hiện phải dừng triển khai làm một số nút giao do chưa bố trí được vốn. Sắp tới khi cân đối đủ điều kiện, nguồn lực thì bổ sung làm. Bởi theo Luật Đầu tư công khi bố trí đủ tiền mới được phê duyệt dự án.

Việc bỏ thu phí tại đường cao tốc Trung Lương – Tp.HCM, Bộ trưởng GTVT giải thích, theo Luật Quản lý tài sản công, ngân sách Nhà nước, thì dự án làm từ vốn có nguồn gốc Nhà nước, ODA... không được thu phí.

Do đó một số dự án gần đây như cầu Cần Thơ, Thủ Thiêm... khi hoàn thành đều không thu phí. Với dự án cao tốc Trung Lương – Tp.HCM sau khi hoàn thành hợp đồng với chủ đầu tư trước đây là thu trong 5 năm, Bộ Giao thông rà soát và dừng việc thu phí để đảm bảo tuân thủ luật.

Tuy nhiên, hiện bộ này trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án thu hoàn vốn dự án giao thông, theo hướng sẽ thu một khoản phí dịch vụ trên cao tốc. Việc này để có kinh phí bảo dưỡng, duy tu cao tốc và điều tiết lưu lượng xe lưu thông giữa quốc lộ và cao tốc.