Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Năm 2022 bắt đầu đổi mới thi tốt nghiệp THPT

Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2022 sẽ là bước đi đầu trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh.

Theo Tuổi Trẻ, tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi tốt nghiệp sẽ phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Việc đổi mới sẽ theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi này.

"Năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn vào năm sau. Kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới", Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Tuy nhiên, ông Sơn chỉ ra có một việc có thể làm ngay từ bây giờ, đó là 2 đại học quốc gia và các đại học vùng, nơi nào chưa có cần bắt tay vào xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí. Đặc biệt các đại học vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho việc kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian sắp tới.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT đề nghị các đại học vùng cần tập trung các dự án, các nguồn đầu tư thường xuyên và cả trung hạn, ưu tiên cao cho xây dựng các hệ thống khảo thí kiểm tra đánh giá để tạo tiền đề cơ sở vật chất cho chủ trương đổi mới thi trong thời gian tới.

Trong các năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có những điều chỉnh theo hướng tăng cường tính chủ động cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT vẫn đảm nhiệm việc ra đề chung và kỳ thi cũng phải tổ chức vào thời gian chung.

Bên cạnh mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, kỳ thi này vẫn sử dụng dữ liệu kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Chính vì vậy, kỳ thi vẫn căng thẳng, cồng kềnh, khiến các địa phương khó có thể linh hoạt thực hiện trong điều kiện dịch bệnh. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đã tới lúc Bộ GD&ĐT cần đổi mới thêm một bước nữa là giao cho địa phương tự ra đề và có phương án tổ chức kỳ thi tùy theo điều kiện thực tế và mục tiêu phát triển giáo dục của mỗi địa phương. Đồng thời, phát triển các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong năm để các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh, giảm áp lực dồn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

TP.HCM là địa phương đã có ít nhất 3 lần đề nghị Bộ GD&ĐT giao cho địa phương tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT, từ năm 2016 đến nay. Mới đây nhất, vào ngày 17/5, trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục đề xuất Bộ GD-ĐT giao quyền cho cấp tỉnh kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc.

Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm qua đã diễn ra rất căng thẳng, vất vả trong khâu tổ chức và nhiều bất an với tất cả đối tượng tham gia, do vừa phải thực hiện ở quy mô kỳ thi quốc gia, vừa phải phòng chống dịch bệnh với những diễn biến khác nhau ở mỗi địa phương.

Minh Hoa (t/h)