Đối thoại

Bộ trưởng Bộ Công an: Áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve” về CSGT

Theo Đại tướng Tô Lâm, việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả trong đảm bảo Trật tự an toàn giao thông đường bộ, giảm bớt tiếng “ong ve" về CSGT.

Phải có tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị

Phát biểu tại thảo luận tổ về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sáng 10/11, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật đã có nội dung bảo vệ những người yếu thế, trên thực tế Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) quan tâm đến vấn đề này.

“Những hình ảnh CSGT dẫn em bé, cháu bé qua đường, cấp cứu người dân. Thực sự CSGT cũng tham gia cấp cứu. Phụ nữ đến giờ sinh nở, hay tai nạn gặp trên dọc đường, không ai kịp bằng CSGT. Trách nhiệm CSGT phải làm, chưa học đỡ đẻ ngày nào nhưng vẫn phải làm việc như vậy, báo chí dư luận rất là khen”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, cần phải cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, CSGT học kiến thức cơ bản về y tế để phục vụ cho việc này.

Về vấn đề đăng ký xe chính chủ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay có dư luận tranh luận về vấn đề này.

“Chúng tôi nghĩ là phải minh bạch về vấn đề này. Người sử dụng xe lại không phải chủ xe nên rất khó ứng dụng công nghệ vào trong quản lý. Thứ hai là xã hội không lành mạnh, tài sản của người này thì người kia lại quản lý. Chống tham ô tham nhũng rất vướng vào những việc này”, ông Lâm nói.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 10/11.

Về vấn đề chỉ huy giao thông, ông Tô Lâm cho biết, một số nước làm rất chuẩn, đã ra đường là chỉ có một luật, đèn đỏ phải dừng lại, nhưng chúng ta đèn đỏ xe ưu tiên vẫn được đi.

“Tôi đi ra nước ngoài ở đó họ bố trí xe dẫn đoàn nhưng gặp đèn đỏ dứt khoát phải dừng lại. Tôi hỏi là tại sao số tôi may thế luôn gặp đèn xanh, họ nói với tôi không phải là may vì xe có dẫn đoàn nên đi đến đâu thì trung tâm điều khiển điều hành sang đèn xanh”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết và mong muốn xe ưu tiên có dẫn đoàn nhưng cũng phải đèn xanh mới được đi.

Ông cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, từ loại hình vận tải hiện đại hóa lực lượng CSGT.

Bộ trưởng Tô Lâm nói rằng, muốn hiện đại được thì phải có tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị. “Tôi đi công tác sang Trung Quốc bằng đường bộ, định đi ô tô của nước mình sang nhưng xe của mình không thể đi ở đường nước họ. Bởi họ vận hành tự động, khi đi vào đường của họ biển số xe của mình không có trong hệ thống nên không mở barie để cho mình đi”, ông Lâm nói và cho biết, chính vì thế nếu đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật thì xe mang biển số giả không thể lưu thông được trên đường.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, cần phải áp dụng công nghệ vào ngay, điều này giảm được tiếng “ong ve” về CSGT. Nếu phạt không trực tiếp thì làm sao tiêu cực được, “muốn tiêu cực cũng không thể tiêu cực”.

Có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm

Phát biểu ý kiến, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho hay, Điều 8 dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo đại biểu, quy định này được luật hóa từ Nghị định 100. Như vậy, tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt.

Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá lại, đánh giá tác động việc thực hiện nghị định 100 trong thời gian qua. "Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật này phải có tính toán, rà soát kỹ lưỡng vì quy định trên có tác động rất lớn", bà Xuân nói.

Đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa.

Liên quan đến ý kiến cho rằng nên quy định các hành vi cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo tỉ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, bà Xuân đặt câu hỏi: "Phải có nồng độ bao nhiêu mới phải xử phạt?". Nữ đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Quốc hội việc tổng kết Nghị định 100.

Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo ông Hùng, qua quá trình thẩm tra dự án luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Về ý kiến thứ nhất, đại biểu này cho rằng, dự án luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.

Về ý kiến thứ hai, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói nhiều ý kiến cho rằng nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỉ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Theo đại biểu, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỉ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.