Pháp luật

Bộ Thông tin và Truyền thông: Tập huấn kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền về pháp luật

Sáng 30/9, tại Hà Nội, bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên và cán bộ văn hóa thông tin cấp huyện của các tỉnh có đường biên giới với Lào.

Tại hội nghị tập huấn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên… được tiếp thu 2 chuyên đề liên quan đến tình hình biên giới Việt- Lào và một số kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, phản ánh.

 Thông qua hội nghị tập huấn, đội ngũ phóng biên, biên tập viên, báo cáo viên, cán bộ văn hóa thông tin cấp huyện… được trau dồi thêm các kỹ năng đưa thông tin, khai thác thông tin… góp phần nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

 Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng trình bày chuyên đề tại hội nghị.

Tại hội nghị, Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho hay: Tuyến biên giới Việt Nam- Lào, có đường biên giới dài 2.337,459km, vị trí đầu tiên là giao điểm với đường biên giới Việt Nam- Trung Quốc- Lào tại xã A Pa Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), điểm kết thúc là giao điểm đường biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia tại xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam. Khu vực biên giới gồm 156 xã, thị trấn/36 huyện/10 tỉnh, với dân số khoảng 155 nghìn hộ/658 nghìn khẩu, với 37 thành phần dân tộc, 77,1% là dân tộc thiểu số.

Những năm qua, khu vực biên giới Việt Nam- Lào được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển về nhiều mặt, đời sống kinh tế- xã hội được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả quả lãnh đạo, chỉ đạo.

Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và lịch sử, khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người, trình độ nhận thức pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân khu vực biên giới còn hạn chế.

Theo đó, khu vực biên giới là địa bàn mà nhiều đối tượng tập trung lôi kéo, mua chuộc, kích động, phá hoạt, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo; Hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và manh động; tình hình di, dịch dân cư tự do của người Mông sang Lào, vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh trái phép vẫn còn xảy ra chưa được ngăn chặn hiệu quả…

Trước thực trạng trên, Đại tá Văn Ngọc Quế nhấn mạnh, báo chí là cầu nối trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, đặc biệt khu vực biên giới. Từ đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân, làm giảm các vụ việc vi phạm pháp luật; góp phần xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh biên giới ngày càng vững chắc.

Cũng tại hội nghị, TS. Nguyễn Quang Hòa, viện Báo chí, học viện Báo chí và tuyên truyền đã chia sẻ những kinh nghiệm để phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên… khi viết tin bài, khai thác thông tin làm sao đảm bảo tính chính xác, thiết thực, phản ánh sự thật không thêm bớt hay tô vẽ, gắn gọn, dễ hiểu…

Bên cạnh việc truyền đạt kỹ năng viết báo, TS.Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh người làm báo phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Tôn trọng đạo đức nghề nghiệp là cách để giữ vững uy tín của người làm báo và cơ quan báo chí, vun đắp niềm tin ở công chúng.

H.Lan