Hướng dẫn sử dụng

Bỏ tết đấy, để anh được… lười

Là chơi Tết chứ đừng là ăn Tết. Tết là thảnh thơi. Tết là bỏ hết công việc ra khỏi đầu, bỏ nốt cả những âu lo ra nữa.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy cô vợ mình

Mặt cau mồm kêu khổ

Làm chồng sợ thất kinh

Năm nào dịp Tết tôi cũng hết lên truyền hình rồi lại viết báo ời ời kêu gọi Tết là để… vô tâm, vô lo, vô nghĩ. Tết là để tận hưởng. Tết thảnh thơi. Tết rong chơi. Năm nay cũng vậy. Nhưng năm nay xin phép được trách những người vợ.

Là bởi nhiều năm qua, dưới mỗi bài báo của tôi, trước màn hình tivi những talkshow tôi chia sẻ, luôn là những ý kiến của các chị em. Rằng nào phải ông chồng nào cũng nghĩ thoáng như tôi, muốn vợ bỏ Tết đấy, để anh lo. Rằng nào phải gia đình nào cũng như gia đình tôi, bố mẹ chồng làm hết chỉ gọi con dâu và các cháu đến ăn. Rằng ngoài kia, vẫn còn rất nhiều gia đình đúng nghĩa ĂN Tết. Mà ăn thì phải làm, ăn xong thì phải dọn. Rồi lễ nghĩa cỗ bàn mâm ngũ quả phải màu này trái nọ…

Tôi đồng ý. Tôi đồng ý rằng ngoài kia quả là còn nhiều gia đình như thế. Nơi mà những người đàn ông dịp Tết chỉ lo quây quần bên chiếu bạc, cơm nước đàn bà phụ nữ phải lo. Nhưng những đàn bà phụ nữ phải lo ấy thường là những người bị phụ thuộc kinh tế vào nhà chồng, vào chồng. Họ vốn trước giờ gọi dạ bảo vâng. Chứ phụ nữ hiện đại ai mà còn thế? Là tôi thấy trên mạng nhiều phụ nữ viết vậy.

Rằng phụ nữ hiện đại thì không sợ Tết. Làm ra tiền rồi, thích ăn uống cỗ bàn, nhấc máy một cái có người nấu nướng, rửa bát ngay tắp lự. Thời buổi dịch vụ đầy ra. Chỉ là không có tiền để thuê thôi chứ sáng mùng Một gọi là có người tới dọn cỗ ngay. Rồi nhiều chị em nhắc nhau: Tết cứ đưa cả nhà đi du lịch nước ngoài là xong. Hết Tết ta về. (Cơ mà năm nay Covid, đi nước ngoài kiểu nào?)

Thật ra, tôi biết, nhiều phụ nữ hiện đại đấy, kiếm tiền giỏi hơn chồng đấy, độc lập đấy, nhưng Tết vẫn “Mặt cau, mồm kêu khổ”. Là bởi không phải ai cũng muốn bỏ Tết đấy, để chồng lo. Càng yêu chồng, họ càng muốn được tự tay lo một cái Tết tươm tất. Mọi người có bảo là “mua dây buộc mình” cũng được, họ không muốn bỏ Tết đấy, để chồng lo. Họ trách nhiệm với hai chữ “Con Dâu”.

Càng hiểu biết họ càng mong muốn được tự tay chăm chút cho một cái Tết đủ đầy vẹn tròn cho hai bên nội- ngoại. Càng hiện đại họ càng hướng về cội nguồn, tổ tiên và gìn giữ bản sắc dân tộc nhiều hơn. Là họ muốn thông qua đó để dạy con cái mình chứ không phải bỏ Tết để con cái thành những kẻ mất gốc. Tôi biết nhiều chị như thế. Ở công ty, tập đoàn, các chị hét ra lửa. Nhưng Tết đến, qua nhà các chị lại thấy từng chiếc “bánh chưng chị tự gói đấy” đến lọ hoa “chị tự cắm đấy” hay “ăn thử xem chị nấu giống cỗ xưa không?”.

Làm chồng dịp Tết muốn lười cũng không xong. (Ảnh minh họa)

Tôi biết, cũng như tôi ban đầu thôi, cũng nghĩ, “các chị giàu quá nên hay bày vẽ”. Cho đến khi nhìn ánh mắt hân hoan, lấp lánh của các chị mà tôi mới hiểu. Phải, là các chị CHƠI Tết đúng nghĩa. Mà cuộc chơi nào chả lắm công phu. Nên vất một tí, chịu khó một tí nhưng sướng lắm.

Tôi có thể liệt kê ra những cái tên và chức danh mà chỉ nghe thôi đã thấy họ đáng ngưỡng mộ thế nào trong công việc. Nhưng khi về nhà, họ vẫn là những phụ nữ muốn làm những điều li ti, bé nhỏ vì yêu chồng, yêu con, yêu gia đình nhà chồng, gia đình nhà mình. Bởi với họ, gốc rễ vẫn là hai chữ Gia Đình. Chỉ có chúng tôi, những người chồng có vợ như thế mới… khổ.

Thấy vợ làm chả có nhẽ làm lơ ngồi ôm máy điện thoại chơi game? Vợ gói bánh chưng thì chồng cũng phải lăng xăng chạy quanh nhóm bếp chứ. Anh bạn tôi có căn biệt thự hơn 500m2, ngày Tết vợ nảy ra ý tưởng thiết kế lại vườn hoa, anh trở thành nông dân chính hiệu.

Lại có anh chồng lái BMW đi ship bánh chưng cho bạn bè, gia đình nội ngoại chỉ vì năm nay vợ anh gói bánh chưng hơi quá tay. Thôi thì trăm điều khổ sở khi có vợ thích Tết.

Nói về chồng khổ vì Tết thì còn rất nhiều những câu chuyện khác. Không phải giới thượng lưu như tôi vừa kể, ngay trong giới bình dân cũng có ối chuyện chồng khổ. Rõ ràng, địa vị xã hội dù có thế nào, làm chồng vẫn khổ mỗi dịp Tết về. Có khi nỗi khổ còn lớn, sâu, dầy hơn nỗi khổ của các bà vợ ngày Tết ấy chứ.

Làm chồng dịp Tết muốn lười cũng không xong í chứ. Gặp phải vợ lười sợ Tết hoá ra lại sướng hơn gặp phải vợ chăm giữ thể diện dịp Tết. Nhất là các cặp đôi mới cưới. Vợ muốn chứng tỏ với bố mẹ chồng nên chồng thành xe thồ, thành cửu vạn, thành đủ thứ nhọc mệt bị vợ sai đi làm. Vợ muốn nhà đẹp đón Tết thì cứ xác định dọn nhà đến tận 23h30 trước giao thừa. Rồi nghe đủ mọi lời cáu gắt của vợ vì chồng làm sai, làm hỏng.

Là tôi đang nói đến những người chồng đúng nghĩa nhé. Chứ không thèm chấp những kiểu chồng vô hình, chồng chết lâm sàng chờ đem chôn, chồng kiểu vỏ bọc thì không tính. Chứ là chồng đúng nghĩa thì vợ tất tưởi chồng cũng chẳng yên thân.

Chắc chắn. Nhưng nhiều khi vì là chồng đúng nghĩa mà lắm ông luôn phải than thở rằng: Vợ ơi, bỏ Tết đấy cho anh được… lười. Là bởi những ngày Tết, vợ càng làm thì chồng càng lụt. Vợ lười chút nào chồng rảnh lúc đó. Hai vợ chồng cùng lười lại thành vui. Vợ càng kỹ tính chồng càng bận bịu.

Có được mấy ngày Tết chạy theo vợ có khi bở hơi tai. Gặp phải vợ sắm Tết như đón dịch thì càng hãi hơn. Những chiếc xe đẩy siêu thị chất chồng hàng hoá. Nào là quà cho bố mẹ chồng, cho cô chú nhà chồng, cho bố mẹ vợ, cho anh rể chị dâu… blah blah.

Thế nên Tết í, bỏ đấy đi, đừng ôm đồm quá. Tết vẫn cứ là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ. Xuề xoà Tết để mặt đỡ cau, mắt đỡ trợn, mồm đỡ kêu khổ khổ khổ. Vô tâm một chút để cười với nhau nhiều hơn. Đừng sợ mất thể diện này nọ. Là chơi Tết chứ đừng là ăn Tết. Tết là thảnh thơi.

Tết là bỏ hết công việc ra khỏi đầu, bỏ nốt cả những âu lo ra nữa. Ít tiền thì Tết nhỏ. Lì xì nhau bằng những nụ cười và ánh mắt hân hoan chứ đừng nặng phong bao mà đau hết ví. Như mâm ngũ quả ấy, đừng hình thức cứ phải là theo lễ nghĩa này kia. Cứ thích ăn quả gì thì mua trái nấy. Tết đến rất gần rồi, dọn dẹp lại tâm trí mình, quan niệm của mình, suy nghĩ của mình trước khi dọn dẹp nhà cửa.

Hoàng Anh Tú