Chính sách

Bộ Tài chính: Sẽ trình phương án thuế xuất khẩu với phân bón phù hợp

Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, nhằm hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung song nhiều phản hồi cho rằng không phù hợp.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỉ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Đề xuất này đang nhận được một số phản hồi trái chiều.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết hiện hành, theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, mặt hàng phân bón có khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 0% đến 40%. Theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thì, mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. 

Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%. 

Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cùng với diễn biến dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu sử dụng ở mức cao.

"Cùng với đó, nhiều quốc gia đã hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ lại nguồn cung cho thị trường nội địa. Trong nước, giá phân bón thời gian qua cũng liên tục tăng cao", thông cáo của Bộ Tài chính nêu.

Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, nhằm hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung song nhiều phản hồi cho rằng không phù hợp. (Ảnh minh họa) 

Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về Hồ sơ xây dựng dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỉ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón. 

Bộ Tài chính cho biết phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỉ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.

"Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị về dự thảo Nghị định. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng như các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ phương án thuế suất, thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón cho phù hợp", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nhấn mạnh: Việc áp 5% thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón cần phải được tính toán cẩn trọng hơn nữa, nếu chỉ nghĩ đơn thuần là áp thuế xuất khẩu thì có thể hạ được giá phân bón trong nước là điều không thể.

Ông Cường nói, để điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ chính sách, trong đó có công cụ thuế. Tuy nhiên, với đề xuất này, cần xem xét, đánh giá lại một cách đầy đủ ở các khía cạnh, nhất là phải xem tác động của việc thay đổi có dẫn đến được kết quả cuối cùng không.

Chủ tịch Vinachem cũng cho biết, với ngành sản xuất phân bón trong nước, hiện không có một ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí. Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý.

"Về bản chất, muốn hạ nhiệt giá phân bón trong nước thì phải tìm căn nguyên ở đâu khiến giá phân bón nó tăng như vậy. Đừng nghĩ đánh thuế, hạn chế việc xuất khẩu thì thị trường trong nước nó sẽ hạ giá", ông Cường nói.

Theo phân tích của ông Cường, giá phân bón tăng thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chi phí đầu vào rất lớn chiếm tỉ trọng cao. Trong số đó, giá than để sản xuất urê, kể cả than nhiệt điện lẫn than phản ứng đều tăng gấp 1,5 lần trong vòng 10 tháng nay. Điều này dẫn đến việc than chiếm 63% trong cơ cấu giá thành sản xuất urê.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem (Ảnh: Phạm Tùng).

Một phần nữa là chi phí thiết bị phụ tùng. Ông Cường cho biết, hằng năm, mỗi nhà máy sản xuất phân bón đều phải có thiết bị phụ tùng thay thế. Khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khi đó, thiết bị phù tùng mà doanh nghiệp đặt mua bị huỷ hợp đồng vì đối tác không thể cung cấp.

Yếu tố tiếp theo ông Cường chỉ ra là chi phí về logistics, vận chuyển tăng cao đột biến. Tuy nhiên, thực tế không chỉ mỗi ngành hàng phân bón bị tác động mà tất cả ngành hàng khác đều bị tác động bởi chi phí logistics trong thời gian qua.

Ngoài ra, một yếu tố khác tưởng như nhỏ nhưng thực ra không nhỏ đó là tác động của Covid-19 đối với lực lượng lao động. Lấy ví dụ tại Đạm Hà Bắc với nhân lực lao động là 1.275 người, Đạm Ninh Bình là 1.000 người, ông Cường nói rằng, việc giải quyết câu chuyện đảm bảo an toàn chống dịch cho lực lượng lao động cũng góp phần đẩy chi phí lên, khiến giá thành mặt hàng tăng cao.

Yếu tố nữa là mùa vụ. Theo ông Cường, cây trồng sử dụng phân bón theo mùa vụ, từng thời điểm trong năm chứ không phải dùng hàng ngày, yếu tố này dẫn đến thừa cục bộ ở một số thời điểm. Do đó, chi phí tài chính về hàng lưu kho cho các doanh nghiệp cũng tăng cao, việc bảo quản hao hụt cũng rất lớn