Tiêu dùng & Dư luận

Bổ sung sữa tươi, tổ yến vào đối tượng cần giám sát vệ sinh thú y

Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT đã bổ sung sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, tổ yến vào đối tượng giám sát vệ sinh thú y.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hành ban hành Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/10.

Bổ sung sản phẩm động vật nhập khẩu sử dụng làm thực phẩm cần giám sát vệ sinh thú y

Về quy định về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm, hiện nay theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: Động vật đưa vào giết mổ; Thịt và sản phẩm thịt tại cơ sở giết mổ và kinh doanh; Mật ong tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh; Các loại sản phẩm động vật khác khi có yêu cầu.

Tại Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bổ sung đối tượng giám sát gồm: Sữa tươi nguyên liệu, tổ yến tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh; Sản phẩm động vật nhập khẩu sử dụng làm thực phẩm.

Thông tư nêu rõ, kế hoạch, nội dung giám sát sản phẩm động vật xuất khẩu và nhập khẩu. Hàng năm, Cục Thú y chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, cấp kinh phí để thực hiện; báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả giám sát, phân tích mẫu và kế hoạch thực hiện năm tiếp theo; ban hành văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sản phẩm động vật khi có yêu cầu; ban hành văn bản thông báo tới Cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu, yêu cầu điều tra nguyên nhân, có hành động khắc phục và gửi báo cáo cho Cục Thú y khi mẫu giám sát không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam.

Kế hoạch, nội dung giám sát sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước: Hàng năm, cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và trình cơ quan có thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch được phê duyệt.

Về việc lấy mẫu phân tích và kinh phí phân tích mẫu giám sát, theo Thông tư, Cục Thú y tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm động vật theo kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp kinh phí.

Cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm động vật theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí.

Trường hợp cơ sở trong kế hoạch giám sát đã được phê duyệt có mẫu giám sát không bảo đảm yêu cầu theo quy định hiện hành hoặc cơ sở tham gia giám sát tự nguyện hoặc giám sát theo yêu cầu của nước nhập khẩu, chủ cơ sở phải chi trả chi phí phân tích mẫu giám sát;

Việc kiểm tra, giám sát mật ong thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong.

Đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm nhập khẩu thực hiện đồng thời với hoạt động kiểm dịch.

Đối với động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm xuất khẩu, vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh thực hiện đồng thời với hoạt động giám sát vệ sinh thú y cơ sở.

Động vật đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng

Theo đó, động vật đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể như sau: có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (đối với động vật có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác); có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác hoặc được kê khai theo Điều 4 Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 (đối với động vật trong địa bàn cấp tỉnh) để có thể truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, bổ sung kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ ở cơ sở giết mổ sau khi giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan thú y quy định tại QCVN 01-150. Nhân viên thú y được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh thú y trong cơ sở giết mổ và thực hiện kiểm soát giết mổ động vật theo quy định phải được đào tạo chuyên ngành thú y hoặc chăn nuôi thú y trình độ trung cấp trở lên; được tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kỹ thuật về kiểm soát giết mổ động vật.

Ngoài ra, tần suất giám sát điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở là 1 lần/18 tháng. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật để xuất khẩu, thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tuệ Minh