Chính sách

Bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn voi ở Đắk Lắk

Theo nghị quyết sửa đổi, bổ sung, công tác bảo tồn voi ở Đắk Lắk được hỗ trợ thêm nhiều chính sách nhằm hạn chế xung đột giữa voi với người.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra trong 3 ngày (8-10/12) thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi.

Theo đó, nghị quyết đã sửa đổi chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại Đắk Lắk, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản, hỗ trợ 500 ngàn đồng/chủ voi cái/ngày và 600 ngàn đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày voi gặp gỡ.

Trong thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300 ngàn đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ, 600 ngàn đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ sáu sau khi voi sinh con đối với chủ voi cái.

Nài voi (người chăm, điều khiển voi) được hỗ trợ 200 ngàn đồng/ngày, thời gian hỗ trợ 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực trong thời gian voi gặp gỡ, sinh sản.

Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra trong 3 ngày (8-10/12).

Bên cạnh đó, để hạn chế xung đột giữa voi với người tại Đắk Lắk, những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện được thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 thành viên để theo dõi, giám sát di chuyển của voi, tổ chức xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất hợp pháp trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển, khi bị voi tấn công thì được hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại và 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do voi gây ra, được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tỉ lệ sức khỏe bị tổn thương. …

Ngân sách tỉnh hàng năm bố trí kinh phí để hỗ trợ cho chủ voi là tổ chức, hộ gia đình không còn khả năng chăm sóc tự nguyện giao lại cho trung tâm bảo tồn voi. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng dùng ngân sách tỉnh cùng với các nguồn tài trợ khác hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang hình thức khai thác du lịch thân thiện với voi.

Theo thống kê, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk hiện nay còn 44 cá thể, gồm 19 đực và 25 cái, đều đã được gắn chíp điện tử từ năm 2017. Về voi hoang dã, số lượng cá thể ổn định khoảng 5 đàn, gồm 80 - 100 cá thể.

Khánh Ngọc