Tiêu điểm

Bổ sung cơ chế giám sát thực thi pháp luật về đất đai ở địa phương

Chuyên gia đề xuất nên bổ sung cơ chế để giám sát Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các cấp cấp trong việc thực thi quyền đại diện sở hữu toàn dân về đất đai.

Sáng ngày 28/2, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bàn về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của công dân.

Theo vị chuyên gia, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai từ trước đến nay luôn nhận được sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của giới nghiên cứu nói chung cũng như các nhà luật học nói riêng. Bởi lẽ, vấn đề này chi phối đến toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta.

Đặt trong bối cảnh Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân, việc soi chiếu các quy định về sở hữu toàn dân đối với đất đai tiếp cận dưới khía cạnh kiểm soát quyền lực nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhằm đưa ra góp ý hoàn thiện góp phần nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật quan trọng này.

Ông Tuyến chia sẻ, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; trong khi nhiều nhà nước trên thế giới không có vai trò này.

Nhà nước với tư cách là một tổ chức chính trị - quyền lực tham gia vào các quan hệ pháp luật nhằm đại diện, bảo vệ cho lợi ích của xã hội, của toàn thể nhân dân.

Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đất đai vừa với vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai vừa với vai trò là tổ chức quyền lực công được nhân dân trao quyền quản lý xã hội.

Theo đó, để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị với ban soạn thảo cần bổ sung cơ chế để giám sát Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các cấp cấp trong việc thực thi quyền đại diện sở hữu toàn dân về đất đai cụ thể hơn, qua đó giám sát quá trình thực thi pháp luật về đất đai ở địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Bổ sung thêm, ông Tuyến cho biết tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 1 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vừa được tham gia xây dựng bảng giá đất, tham gia vào hội đồng thẩm định giá đất vừa có quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai.

Ông Tuyến cho rằng không nên cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham gia vào xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất;… vì theo quan điểm của ông Tuyến “vừa thẩm định giá, vừa có quyền bỏ phiếu, vừa giám sát thì rất khó”.

Do đó, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, vị chuyên gia khuyến nghị ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét lại về vai trò và trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc để đưa ra phương án tối ưu, nhằm phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý này một cách tốt nhất.

Xem thêm:

[Trực tiếp] Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội