Giáo dục

Bộ SGK tiếng Anh có là sản phẩm “xã hội hóa”?

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã bước sang năm thứ 3, nhưng sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh vẫn còn quá nhiều dấu hỏi chưa có câu trả lời.

Tiếng Anh là môn học mà SGK đi kèm có số phận rất kỳ lạ.  Khác với các môn học khác, tiếng Anh dường như đứng mình một sân khi không nằm trong quy trình biên soạn chương trình tổng thể cũng như bộ môn khi triển khai chương trình giáo dục 2018.

Nguyên nhân là tiếng Anh đã có riêng đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Chương trình mới thiết kế có dành thời lượng cho việc học ngoại ngữ theo đúng quy định của Đề án Ngoại ngữ 2020. Đề án có trách nhiệm biên soạn một bộ SGK thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12. Từ năm 2016, bộ sách thí điểm của Đề án đã được triển khai  tại các trường.

Nhưng điều oái oăm ở chỗ, đến năm 2021, khi chương trình giáo dục 2018 triển khai thay SGK lớp 6, bộ SGK tiếng Anh của Đề án Ngoại ngữ vẫn không thấy đâu. Thay vào đó là SGK tiếng Anh của các nhà xuất bản được xã hội hóa.

 

Năm 2022, việc thay SGK được triển khai đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, bộ SGK tiếng Anh được Đề án biên soạn vẫn chưa rõ tung tích. Phụ huynh vẫn phải bỏ tiền ra mua sách tiếng Anh được xã hội hóa của các nhà xuất bản với giá bằng 40 – 50% tổng số tiền cả bộ SGK cho mỗi lớp học.

Khi được hỏi về số phận của bộ SGK tiếng Anh của Đề án, các bộ phận chức năng của Bộ GD&ĐT vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Không những thế, đối với các SGK tiếng Anh được xã hội hóa, dư luận cũng có nhiều băn khoăn.

Năm 2019, trong số 38 SGK các môn học, hoạt động giáo dục được Hội đồng thẩm định thông qua thì môn tiếng Anh chiếm ưu thế tuyệt đối khi tất cả 6 bản thảo SGK đều được đánh giá “đạt”.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ phê duyệt 32 SGK của các môn và hoạt động giáo dục mà không có môn tiếng Anh. Nguyên nhân là do sau khi Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” thì xảy ra vướng mắc về tính pháp lý bởi phần lớn bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn. Bộ đã yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên sách là người Việt Nam, vì Thông tư 33 quy định người biên soạn SGK phải “có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt”.

Chính vì quy định này nên SGK tiếng Anh từ lớp 1, 2 đến lớp 3, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp phải sự thắc mắc của cả người dạy và người học khi “vỏ một đằng, ruột một nẻo”. Điển hình, sách tiếng Anh trong bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam, cuốn “Family and Friends (National Edition), “Student book” của tác giả Naomi Simmons, Nhà xuất bản Đại học Oxford (Anh) bỗng một ngày đẹp trời có chủ biên là ... người Việt ?

Điều đặc biệt hơn, trong các bảng báo giá của các nhà xuất bản công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, SGK tiếng Anh luôn vắng mặt. Nó chỉ xuất hiện trong bảng thông báo giá SGK của các trường gửi cho phụ huynh trước khi năm học mới bắt đầu.

Giá sách giáo khoa Tiếng anh cao đột biến

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá SGK Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang dao động từ 45.000 đồng đến 99.000 đồng một quyển.

Cụ thể, đối với sách giáo khoa lớp 2, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 10 cuốn, giá 186.000 đồng/bộ; bộ sách "Chân trời sáng tạo" gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng/bộ. Sách giáo khoa tiếng Anh có hai cuốn, trong đó cuốn tiếng Anh 2 có giá 52.000 đồng, cuốn tiếng Anh 2 Family and Friends 79.000 đồng.

Đối với sách giáo khoa lớp 6, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 13 cuốn, giá 245.000 đồng/bộ; bộ sách "Chân trời sáng tạo" có 12 cuốn, giá 234.000 đồng/bộ. Sách giáo khoa tiếng Anh có 3 cuốn, trong đó cuốn tiếng Anh 6 tập một giá 38.000 đồng; cuốn tiếng Anh 6 tập hai 38.000 đồng; cuốn tiếng Anh 6 Friends Plus 89.000 đồng.

Đắt nhất hiện nay là 2 cuối Tiếng Anh 7 và Tiếng Anh 10 của bộ Chân trời sáng tạo có giá là 99.000 đồng.

Giá SGK theo chương trình 2018 cao đột biến so với chương trình 2006 có nhiều nguyên nhân. Nhưng Đề án Ngoại ngữ  quốc gia 2020 với số tiền lên đến gần 10.000 tỷ đồng vẫn chưa thể có một bộ SGK để phụ huynh có thêm lựa chọn, bớt gánh nặng giá SGK thì Bộ GD&ĐT cần phải có câu trả lời rõ ràng trước dư luận và Quốc hội.

Bởi với những SGK tiếng Anh được biên soạn, thẩm định, thí điểm, tập huấn... hoàn toàn bằng tiền của ngân sách nhà nước thông qua Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân như kể trên, khó có thể nói bộ SGK tiếng Anh là sản phẩm “xã hội hóa” như các sách khác.

Nếu các bộ SGK tiếng Anh không phải là sách đề án ngoại ngữ, vậy tiền số phận của đề án này đang ở đâu?

Thảo Anh