Đối thoại

Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị sửa quy định khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để tránh loại nhầm

Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian qua việc tổ chức khám sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được các địa phương, đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ.

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022.

“Theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Quy định khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự” thì việc khám, phân loại sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự căn cứ vào 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu khám sức khỏe, làm căn cứ tuyển chọn công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự quy định tại Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ”. Tuy nhiên, việc phân loại sức khỏe theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quá chặt chẽ, dễ phân loại công dân đủ sức khỏe về mặt thực tế thành công dân không đủ điều kiện về sức khỏe để nhập ngũ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyển quân hàng năm của các địa phương, một số địa phương rất khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu giao quân hàng năm của cấp có thẩm quyền”, cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị.

Về vấn đề trên, Bộ Quốc phòng cho biết, Khoản 3 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và tham gia Công an nhân dân, như sau: “Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ và gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; trường hợp cần thiết, quyết định việc xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm xét nghiệm phát hiện ma túy, HIV; bảo đảm chính xác và chịu trách nhiệm về kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự” và được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Qua hơn 7 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 công tác tổ chức khám sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được các địa phương, đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ; kết quả tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu giao, bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật; riêng về sức khỏe loại 1, loại 2 luôn đạt trên 60%.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện khám sức khỏe thực hiện NVQS đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện; thực tế công tác khám tuyển NVQS ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn để công dân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ vào quân đội như: Di chứng chấn thương để lại, có sẹo bỏng lớn; chấn thương sọ não chưa phục hồi; dương tính với ma túy, tâm thần...; sau phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới, phải bù đổi, loại trả.

Về giải pháp, từ những vấn đề nêu trên theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP vào kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Ngành Y tế năm 2022.

Đến nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; theo đó, các nội dung địa phương, đơn vị đề nghị sẽ được nghiên cứu xem xét, đưa vào Thông tư quy định cho phù hợp.

Đồng thời đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương phát huy vai trò giám sát về nội dung thực hiện Luật NVQS, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, để pháp luật về NVQS được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực tại địa phương.

Tuệ Minh