Đối thoại

Bỏ phân tuyến khám chữa bệnh về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế

Giám đốc BV Chợ Rẫy cho rằng, bỏ giấy chuyển tuyến chỉ có lợi cho một cá nhân, trong một thời điểm nhất định nhưng sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho hệ thống y tế cơ sở.

Y tế cơ sở sẽ đi về đâu?

Hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn chuyển lên tuyến trên thì phải xin giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, việc này khiến nhiều người bệnh cho rằng gây phiền hà về mặt thủ tục và kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn Tp.HCM cho rằng vấn đề này có 2 luồng ý kiến.

Tâm lý của người dân cho rằng tại sao lại cần giấy chuyển tuyến, rất phiền phức và họ có thể đi khám bất cứ cơ sở nào mình muốn.

Cá nhân ông và các bác sĩ bệnh viện tuyến trên cho rằng nếu bỏ phân tuyến thì bệnh viện tuyến trên sẽ được hưởng lợi. Vì nguồn bệnh nhân sẽ đổ hết về tuyến trên nhưng đây là cái lợi trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).

“Kết cấu của y tế Việt Nam rất tốt, len lỏi cả trong các thôn, bản, tới y tế xã, y tế huyện, tỉnh rồi tới y tế Trung ương. Đây là một mạng lưới y tế rộng khắp, bao phủ. Vấn đề hiện nay là cần phát huy hết chức năng của từng vị trí”, ông Thức nói. 

Đồng thời phân tích, nếu bỏ chuyển tuyến sẽ xảy ra vấn đề, ví dụ một bệnh nhân với tình trạng bệnh thông thường, ở tuyến dưới có thể điều trị được nhưng lại tâm lý là phải đi thẳng lên tuyến Trung ương như BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… để khám, điều trị, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy về mặt kinh tế cho người bệnh…  

Bên cạnh đó, khi ai cũng chuyển hết lên tuyến Trung ương thì tương lai của y tế cơ sở sẽ đi về đâu?

Y tế cơ sở sẽ ngày càng không có người bệnh và chuyên môn sẽ ngày càng thui chột đi, dần dần sẽ dẫn đến triệt tiêu. Còn tuyến trên thì sẽ dần dần quá tải, không phục vụ được bệnh nhân. “Bởi, không thể nào một ngày bác sĩ có thể khám cả nghìn bệnh nhân được”, ông Thức nêu rõ.

Vì thế, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho rằng, khi bỏ giấy chuyển tuyến chỉ kéo theo lợi ích cho một cá nhân, cho một thời điểm nhất định nhưng sẽ gây ra nhiều hệ lụy, hệ thống y tế sẽ bị tê liệt về dài hạn.

Phải tạo niềm tin cho người dân

Vậy giải pháp nào để bệnh nhân không còn phải xin giấy chuyển tuyến, tránh cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải, người bệnh không phải có bệnh là đổ dồn lên tuyến trên?

Ông Thức cho rằng giải pháp căn cơ là y tế tuyến dưới phải đảm bảo chuyên môn, phải tạo niềm tin cho người dân. Khi người dân có niềm tin vào y tế cơ sở thì họ sẽ không việc gì phải đi đâu. Làm sao để có niềm tin thì cần cả một quá trình lâu dài.

Giải pháp căn cơ là y tế tuyến dưới phải đảm bảo chuyên môn, phải tạo niềm tin cho người dân (Ảnh: Phạm Tùng).

“Tôi đã đề xuất nhiều lần là hãy đưa y tế tuyến trên về tuyến dưới. Bác sĩ tuyến Trung ương luân chuyển về tuyến tỉnh, tuyến tỉnh luân chuyển về tuyến huyện, tuyến huyện luân chuyển về tuyến xã, tuyến xã luân chuyển ngược lên tuyến trên để học, tạo nên một vòng xoay. Và sẽ không lo nhân lực y tế không đủ”, ông Thức nói thêm. 

Khi vòng tròn xoay đều, sẽ luôn có đủ nhân lực y tế có tay nghề, đủ trình độ, tạo niềm tin cho người dân. Lúc đó người dân sẽ đến y tế cơ sở.

Thừa nhận y tế cơ sở thiếu nhân lực, chế độ ưu đãi không đầy đủ… nhưng để giải quyết những điều này ông Thức cho rằng một mình ngành y tế không thể nào giải quyết được.  

Do đó, luân chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới, một mặt để chuyển giao kỹ thuật, kiến thức cho đồng nghiệp, một mặt cũng là để bác sĩ học được nhiều kiến thức mà chỉ ở cơ sở mới có được.

“Việc luân chuyển 6 tháng không phải là quá dài, không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của một con người, rất tốt cho xã hội, cho người dân, tại sao mình không làm?”, ông Thức nêu băn khoăn.

Nâng cao điều kiện, chất lượng khám chữa bệnh

Trao đổi bên lành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết: “Tôi đã nói nhiều lần rằng việc cấp giấy như thế này cần phải chấm dứt. Chúng ta phải hướng đến việc người bệnh được lựa chọn muốn khám chữa bệnh ở đâu thì khám".

Theo ông Trí, trừ những vấn đề vượt mức, cần có ý kiến các chuyên gia, thì bệnh viện tuyến trên cần nhận thông tin về những vấn đề về chuyên môn để tiếp tục điều trị cho người bệnh, chứ không phải là làm những thủ tục hành chính để lên tuyến trên. 

Tuy nhiên, ông Trí cũng nhấn mạnh, với những điều kiện công nghệ thông tin như hiện nay người bệnh cũng không cần phải xin giấy chuyển tuyến, thông tin vẫn được cập nhật. Bác sĩ tuyến dưới có thể cập nhật thông tin rồi chuyển lên tuyến trên bằng máy tính, điện thoại di động... Bác sĩ tuyến trên có thể nắm được thông tin của bệnh nhân.

Thậm chí không chỉ số liệu, thông tin mà cả hình ảnh chụp phim của bệnh nhân. Vì thế, đây là những việc cần phải làm bằng được, để tránh những phiền hà, nhiêu khê cho người bệnh.

Trước băn khoăn nếu hủy bỏ thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh sẽ có nguy cơ bệnh nhân vượt tuyến, chuyển hết lên tuyến trên để khám chữa bệnh, ông Trí cho rằng đó là nỗi lo thường trực.

"Vì lý do này mà có quy định người dân phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Điều này là đúng nhưng đứng về mặt tầm nhìn, tôi cho rằng đây là cách quản lý thô, không còn phù hợp. Như vậy, là dùng biện pháp hành chính để ngăn chặn bệnh nhân chuyển tuyến", ông Trí phân tích.

"Tại sao tất cả các cơ sở y tế đều phải được nâng cao trình độ chuyên môn, phải có bác sĩ giỏi, có giá cả hợp lý... để người dân đến khám chữa bệnh ở nơi đâu gần nhất, thuận lợi nhất cho người bệnh, chứ không cần phải đi lên tuyến trên?" ông Trí đặt vấn đề.

Đồng thời cho rằng việc nâng cao trình độ, nâng cao điều kiện, chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến khám chữa bệnh ban đầu nếu được thực hiện thì vấn đề bệnh nhân chuyển tuyến sẽ được giải quyết.