Sự kiện

Bộ Nội vụ nêu lý do chưa công khai cán bộ có con được sửa điểm

Tại buổi họp báo định kỳ do bộ Nội vụ tổ chức chiều 9/5, vấn đề công khai danh tính cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã được báo chí đề cập.

Trong khuôn khổ buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ do bộ Nội vụ tổ chức, phóng viên đã đặt câu hỏi cho bộ Nội vụ đánh giá như thế nào khi có nhiều cán bộ, công chức viên chức có con được nâng điểm trong kỳ thi trung học quốc gia năm 2018 và có nên công khai danh tính, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức này không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng vụ Cán bộ công chức (bộ Nội vụ) cho rằng, quy định pháp luật thì rất rõ sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

“Vấn đề là công bố danh tính để làm gì nếu các đồng chí đó có hành vi vi phạm sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật (quy định về pháp luật hình sự, hành chính). Nếu phát hiện ra hành vi vi phạm có việc là tác động để chạy điểm thì xử lý nghiêm. Và lúc đó đương nhiên có công bố danh tính hay không ở giai đoạn tố tụng nào đều theo quy định pháp luật”, ông Long nói.

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu, xử lý đến đó. Và công bố hay không công bố theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc công bố danh tính thì cần cân nhắc nhiều vấn đề, phải dựa vào hành vi vi phạm chứ không ảnh hưởng đến quyền nhân thân của các đồng chí”.

Ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Vụ cán bộ công chức (bộ Nội vụ).

Cũng tại cuộc họp, nhiều vấn đề được đưa ra, trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao lại đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức trong dự thảo luật Cán bộ công chức, đại diện bộ Nội vụ cho biết nội dung này đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến.

Cụ thể, ông Nguyễn Tư Long chia sẻ: "Bỏ hình thức kỷ luật giáng chức có làm bớt tính nghiêm minh, nghiêm khắc của việc thực thi pháp luật hay không? Câu trả lời là không, vì hình thức kỷ luật giáng chức chỉ áp dụng đối với công chức lãnh đạo quản lý. Ngoài hình thức này còn có hình thức kỷ luật cách chức”.

Ông Long cũng cho hay, hiện tại đang có 5 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.

"Ở giữa giáng chức và cách chức, quá trình thực thi người Việt Nam có những lúc duy tình. Đáng lẽ ra phải sử dụng hình thức mạnh mẽ là cách chức thì đâu đó có hiện tượng chỉ áp dụng hình thức giáng chức. Đây không phải là lách luật mà là giảm nhẹ hình thức kỷ luật đi", ông Long nói.

Theo ông Long, bộ Nội vụ đã nêu quan điểm trình Chính phủ và Chính phủ cũng thống nhất trình bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, nếu không khiển trách, cảnh cáo thì cán bộ công chức là lãnh đạo quản lý sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng hình thức cách chức.

“Ngoài ra, việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức có xung đột với các yêu cầu về vị trí việc làm. Vị trí việc làm xác định rất rõ, ví dụ 1 cấp trưởng, 3 cấp phó. Ví dụ một người đang là trưởng bị giáng chức, tức là được bổ nhiệm vào một chức vụ thấp hơn. Bây giờ có 3 người phó ngồi đó rồi thì làm gì còn vị trí việc làm để bổ nhiệm người đó làm cấp phó”, ông Long lý giải.

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đáp ứng yêu cầu tương thích với 4 hình thức kỷ luật bên Đảng quy định, gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Điều này giúp bảo đảm sự liên thông trong công tác cán bộ.