Chính sách

Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì tháo gỡ rào cản trong xuất, nhập khẩu nông sản

Theo nghị định mới, Bộ NN-PTNT có nhiệm vụ thúc đẩy đàm phát nhằm mở cửa thị trường nông sản; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT).

Nghị định nêu rõ, Bộ NN-PTNT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể các chức năng, nhiệm vụ, về trồng trọt và bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện hoạt động trồng trọt; phát triển vùng cây trồng, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; kế hoạch sử dụng, bảo vệ và cải tạo nâng cao độ phì đất nông nghiệp; chống xói mòn, sa mạc hoá và sạt lở đất; xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật. 

Quản lý nhà nước về phân bón theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về giống cây trồng nông nghiệp, về kiểm dịch thực vật, bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.

Về chăn nuôi và thú y, Bộ NN-PTNT có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi; thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi; xây dựng và trình Chính phủ ban hành danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu; quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

Về thủy sản, Bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia; tham mưu trình Chính phủ ban hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về quản lý các khu bảo tồn biển, quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quy định quản lý về an toàn tàu cá, thông tin phòng tránh thiên tai cho ngư dân và tàu cá trên biển; xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.

Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Ảnh: Hữu Thắng).

Bên cạnh đó, về thương mại nông lâm thủy sản và muối, Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì thực hiện nhiệm vụ đàm phán thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản; tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu, nhập khẩu nông sản; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thương mại, thị trường nông sản; kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại; chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối.

Về lâm nghiệp, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp; quy chế quản lý rừng; chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và danh mục những loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bảo vệ hệ sinh thái rừng, các loài sinh vật rừng, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên trong các loại rừng.

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; thành lập khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng có tầm quan trọng quốc gia hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh. Tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Về thủy lợi, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, chính sách, pháp luật về thủy lợi, nước sạch nông thôn, tiêu và thoát nước (không bao gồm thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp); đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi, công trình nước sạch nông thôn; vận hành các hồ chứa thủy lợi, công trình thủy lợi.

Về phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT sẽ hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai; kiểm tra các phương án phòng, chống thiên tai trong kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bộ, ngành.

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động khắc phục hậu quả và phục hồi tái thiết sau thiên tai theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tổng hợp, đánh giá, thống kê và công bố số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện về quan trắc, giám sát các hoạt động liên quan đến công trình và các biện pháp phòng, chống thiên tai; theo dõi, phân tích, đánh giá thiệt hại do thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam.