Tài chính - Ngân hàng

Bộ Ngân khố Mỹ sẽ không giải cứu Ngân hàng Thung lũng Silicon SVB

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đánh dấu một trong những thất bại lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 12/3 cho biết chính phủ Mỹ sẽ không bảo lãnh cho Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) như đã làm với các tổ chức tài chính khác trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng người đứng đầu Bộ Ngân khố Mỹ lưu ý rằng các cơ quan quản lý đang làm việc để đảm bảo những cá nhân và doanh nghiệp gửi tiền ở SVB sẽ được hoàn trả đầy đủ.

Xuất hiện trên chương trình “Face the Nation” của Đài CBS vào ngày 12/3, bà Yellen ra tín hiệu rằng sẽ không có cuộc giải cứu nào của chính phủ đối với ngân hàng lớn thứ 16 của quốc gia, như đã từng được thực hiện đối với hàng trăm tổ chức trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Trong cuộc khủng hoảng tài chính, có những nhà đầu tư và chủ sở hữu của các ngân hàng lớn có hệ thống đã được giải cứu”, bà Yellen nói. “Và những cải cách đã được thực hiện kể từ đó có nghĩa là chúng ta sẽ không làm điều đó một lần nữa”.

Bà Yellen cũng nhấn mạnh rằng các quan chức “quan tâm đến người gửi tiền và tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ”.

“Tôi đã làm việc suốt cuối tuần với các cơ quan quản lý ngân hàng của chúng tôi để thiết kế các chính sách phù hợp nhằm giải quyết tình trạng này”, người đứng đầu Bộ Ngân khố Mỹ nói. “Tôi thực sự không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết vào lúc này”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự một phiên điều trần của Hạ viện ở Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ), ngày 10/3/2023. Ảnh: Getty Images

Số phận của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và các khách hàng của nó đã được tiết lộ vào cuối tuần qua, vài ngày sau khi các cơ quan quản lý liên bang nắm quyền kiểm soát tổ chức tài chính này sau một loạt động thái rút tiền ồ ạt của những người gửi tiền vào ngân hàng.

Sự sụp đổ của SVB đánh dấu một trong những thất bại lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

SVB đã tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực ngân hàng bằng cách cho các công ty khởi nghiệp công nghệ (tech startup) vay vốn, nhưng những vấn đề tài chính gần đây mà ngành công nghệ phải đối mặt đã gây căng thẳng cho ngân hàng của Thung lũng Silicon và khiến giá cổ phiếu của nó lao dốc.

Bà Yellen cho biết, bất chấp sự sụp đổ của SVB, bà tin rằng tổng thể hệ thống ngân hàng Mỹ “thực sự an toàn, được vốn hóa tốt” và “có khả năng phục hồi”.

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) hôm 10/3 cho biết rằng tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền truy cập đầy đủ vào các quỹ được bảo hiểm của họ không muộn hơn sáng 13/3 (giờ địa phương). Cơ quan này cũng cho biết họ sẽ trả cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản “cổ tức tạm ứng” trong tuần tới và những người gửi tiền sẽ nhận được “giấy chứng nhận nhận cho số tiền không được bảo hiểm của họ”.

Là một cơ quan liên bang độc lập, FDIC không sử dụng tiền của người nộp thuế để bảo hiểm tiền gửi, mà được tài trợ thông qua phí bảo hiểm do các ngân hàng thành viên và hiệp hội tiết kiệm chi trả.

Các cơ quan quản lý tại Vương quốc Anh cũng đang thực hiện một kế hoạch để đảm bảo rằng các khách hàng của chi nhánh SVB tại Vương quốc Anh (SVB UK) sẽ được thanh toán.

Người đi bộ đi ngang qua chi nhánh của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Napa, California, ngày 10/3/2023. Ảnh: San Francisco Chronicle

Sự sụp đổ của SVB đã khiến các công ty công nghệ và các khách hàng khác của ngân hàng này rơi vào tình trạng lấp lửng và thậm chí còn gây “đau đầu” cho những bên không có kết nối trực tiếp với ngân hàng, chẳng hạn như những người bán hàng trên Etsy được thông báo rằng họ có thể thấy sự chậm trễ trong việc nhận thanh toán vì thị trường trực tuyến sử dụng SVB để thực hiện một số khoản thanh toán.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ liên bang hôm 12/3 đã thông báo về sự sụp đổ của một ngân hàng thứ hai có mối quan hệ sâu sắc với ngành công nghệ trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang gấp rút cố gắng ngăn chặn những tổn thất do sự sụp đổ của SVB gây ra.

Ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại Manhattan, New York – một tổ chức tài chính quan trọng cho ngành công nghiệp tiền điện tử – đã bị đóng cửa vì một “ngoại lệ rủi ro hệ thống tương tự”, theo một tuyên bố chung từ những người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, Fed và FDIC.

SVB có trụ sở tại California có tài sản trị giá 209 tỷ USD, trong khi Signature Bank có hơn 110 tỷ USD.

SVB là ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử Mỹ, sau Washington Mutual vào năm 2008. Và Signature Bank là ngân hàng lớn thứ ba rơi vào tình cảnh này.

Minh Đức (Theo NPR, NY Post)