Góc nhìn luật gia

Bố mẹ nuông chiều, không nói gương khiến trẻ tự cao, không biết sợ

“Lứa tuổi mới lớn còn nhiều bồng bột, có khi đứa trẻ nghĩ rằng “cứ đi đã, rồi tính sau”, không cần biết hậu quả là gì” - Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý nhìn nhận.

Có rất nhiều trường hợp trẻ em bỏ nhà đi với những lý do khác nhau. Ở giai đoạn trẻ mới lớn, thường xảy ra nhiều mâu thuẫn về mặt tâm lý. Vì vậy, các em cần được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

Thưa tiến sĩ, theo bà, vì sao hành động bỏ nhà ra đi thường xảy ra ở độ tuổi vị thành niên và trẻ em (dưới 16 tuổi)?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý: Hiện nay, có mấy vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, giáo dục trong gia đình đang có những bất cập, tức là bố mẹ thiếu kiến thức nuôi dạy con, cứ làm theo bản năng về thiên chức của mình, chứ không học hỏi, tìm hiểu thêm.

Nhiều gia đình nuông chiều con quá, làm hộ con tất cả mọi thứ. Điều này khác với trẻ em ở nước ngoài, họ tạo cho trẻ thói quen tự lập từ bé, còn ở mình thì bao bọc từ bé. Cho nên sự tự tin, tính tự lập của trẻ em Việt Nam kém hơn so với trẻ cùng lứa tuổi ở nhiều nước phát triển.

Chính vì sự bao bọc từ nhỏ, kể cả những việc đơn giản - cái gì cũng làm hộ con, nên trẻ thường có thói quen ỉ lại. Khi giáo dục tính tự lập, không phải đứa trẻ hư ngay từ ban đầu mà là do ông bà, bố mẹ nuông chiều. Điều đó khiến đứa trẻ nghĩ rằng mình là trung tâm, mọi người vì mình chứ mình không vì ai cả. Cái đó rất nguy hiểm! Các bậc phụ huynh đã vô tình tạo ra suy nghĩ không tốt cho con. Khi đứa trẻ cảm thấy không được đáp ứng mọi nhu cầu, nó sẽ suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, thậm chí là bỏ nhà đi. 

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý.

Giáo dục trong gia đình có ý nghĩa quan trọng số 1 trong việc phát triển tâm lý của trẻ. Tôi làm trong lĩnh vực này nhiều năm và có thể đúc kết rằng, nếu giáo dục gia đình mà không tốt thì sẽ vô cùng tai hại đối với đứa trẻ. Hà khắc quá cũng không được, mà nuông chiều quá cũng không ổn.

Đôi khi người lớn không gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử, dẫn đến ảnh hưởng nhiều đối với đứa trẻ. Con mình sai nhưng lại đứng ra bênh. Ngày xưa coi trọng lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo, nhưng bây giờ nhiều trường hợp phụ huynh còn dọa cả thầy. Điều đó gieo vào đầu đứa trẻ nếp nghĩ không tốt, suy nghĩ lệch lạc trong mắt trẻ. Có đứa trẻ, chỉ vì thầy cô mắng mấy lời hoặc bị điểm thấp mà bỏ nhà ra đi.

Có ý kiến cho rằng, việc trẻ tiếp cận nhiều thông tin xấu, độc, hại trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ muốn “nổi loạn”, muốn “thoát khỏi gia đình”?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý: Ở môi trường bên ngoài gia đình, hiện nay, trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với những hình ảnh, video, thông tin độc hại trên các trang mạng xã hội. Trong khi đó, lứa tuổi trẻ em và vị thành niên chưa có kinh nghiệm sống, thiếu hiểu biết, lại được nuông chiều, kết hợp với một số thông tin được chia sẻ nhiều nên các cháu bắt chước nhau.

Ví dụ, đứa này bảo với đứa kia rằng “cứ bỏ nhà đi là ông bô, bà bô sợ chết khiếp”, chúng tưởng rằng thế là hay nên cũng thử bỏ nhà đi để “dọa” bố mẹ, chứ không nghĩ đến hậu quả như thế nào. Các cháu đâu có biết rằng, bao nhiêu điều nguy hiểm đang rình rập bên ngoài! 

Mạng xã hội có tính 2 mặt, mặt tốt là giao lưu thông tin, học hỏi kiến thức hữu ích, nhưng mặt trái là xuất hiện những thông tin độc, hại. Các gia đình nên giáo dục, hướng dẫn con nên xem những cái gì, kết bạn với ai trên mạng, chơi như thế nào. Nếu phụ huynh không quan tâm, giám sát con cái thì trẻ dễ sa đà vào việc tiếp thu những thông tin xấu.

Có trường hợp trẻ bỏ nhà đi để “dọa” bố mẹ và không nghĩ đến hậu quả như thế nào. (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tâm lý của trẻ em, vị thành niên, bà có điều gì muốn nhấn mạnh và chia sẻ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý: Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi mới lớn là tính tự trọng, tự ái rất cao, muốn mọi người xung quanh coi mình là người lớn. Khi bố mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý, mắng mỏ trẻ trước mặt người khác, gây cho chúng sự ức chế và sẵn được nuông chiều từ trước thì trẻ sẽ bỏ đi. Tức là người lớn đã đánh trúng vào lòng tự trọng, tự ái của nó thì nó sẽ đi luôn để “khẳng định mình”. Thậm chí có ông bố, bà mẹ còn đuổi “mày đi cho khuất mắt”, nói nhưng không suy nghĩ kỹ.

Lứa tuổi mới lớn còn nhiều bồng bột, có khi đứa trẻ nghĩ rằng “cứ đi đã, rồi tính sau”, không cần biết hậu quả là gì, thậm chí còn nghĩ “ta đây anh hùng, ta học bạn bè và đi”.

Môi trường gia đình là quan trọng, nhưng theo bà, chúng ta có cần đẩy mạnh tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý: Gia đình phải giáo dục tốt, đồng thời nhà trường cũng cần phải nâng cao kỹ năng sống cho các con. Hiện nay, vấn đề giáo dục tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông còn đang bị xem nhẹ, chưa đạt yêu cầu. Dạy kỹ năng sống, ứng xử phải có thực hành thì mới hiệu quả.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để giáo dục cho trẻ cũng như để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh nhìn nhận đúng đắn về cách nuôi dạy con. Bậc làm cha làm mẹ cần lắng nghe, trau dồi thêm những kỹ năng để hiểu con, gần gũi con hơn, theo sát từng bước. Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường thì phải chỉnh ngay.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!