Sự kiện

Bộ KH&ĐT kỳ vọng GDP tăng trưởng trên 7% trong quý IV

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để đạt được mục tiêu, kinh tế Việt Nam cần tăng trưởng thấp nhất từ 7% trong quý IV.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào chiều nay (2/10), trước câu hỏi về dự báo kinh tế Việt Nam 2021, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã trình 2 phương án trên cơ sở tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, cũng như mục tiêu từ nay đến cuối năm cũng như một số điều kiện đặt ra.

“Trên cơ sở thực hiện đáng giá, ước thực hiện cả năm GDP 2021 đạt ở mức 3 - 3,5%. Với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm, quý IV cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm, quý IV cần tăng trưởng 8,84% trở lên”, ông Phương cho biết.

Về khả năng đạt được mục tiêu nói trên, theo ông Phương tăng trưởng quý đạt mức 7% trở lên chúng ta cũng từng đạt được trong quá khứ. Tuy nhiên quý IV/2021, có rất nhiều điểm đặc biệt phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn với dịch. Để đạt được mục tiêu đề ra, đối với doanh nghiệp không bị “đóng băng” hay đóng cửa, doanh nghiệp phải được hoạt động.

Đối với lao động thì phải được dịch chuyển. Bởi hiện các khu, cụm công nghiệp ở nhiều thành phố lớn đang trong tình trạng thiếu lao động tức thời. Do vậy sắp tới đây cùng với những quy định về y tế, hy vọng rằng các lao động sẽ được dịch chuyển một cách an toàn để đi làm.

Thứ ba hàng hoá phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương, bao gồm hàng hoá đầu vào và đầu ra. Có được như vậy mới hỗ trợ được cho tăng trưởng kinh tế được.

Đặc biệt trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn sản xuất, từ nay đến cuối năm chúng ta vừa mới bắt đầu lộ trình mới chủ yếu là chúng ta phục hồi nên các doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất là thành công lớn.

“Rất kỳ vọng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị thì chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng hơn 7% như đã từng làm trong quá khứ”, Thứ trưởng bộ KH&ĐT kỳ vọng.

Không đóng cửa cả nhà máy nếu phát hiện có F0

Liên quan đến Dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch bệnh, tại họp báo, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận còn nhiều ý kiến băn khoăn, ví dụ khi một doanh nghiệp có một trường hợp F0 ở phân xưởng thì sẽ xử lý thế nào.

Với trường hợp này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết doanh nghiệp nếu phát hiện 1 F0 sẽ khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi cách ly, điều trị, đưa các trường hợp F1 đi cách ly, đồng thời phun khử khuẩn.

“Sau 24 giờ, nhà máy, xí nghiệp có thể đưa lực lượng mới quay trở lại làm việc”, Thứ trưởng Tuyên nói.