Kinh tế vĩ mô

Bộ KH&ĐT: Nền kinh tế phục hồi tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu chuyển biến sau 11 tháng nhưng vẫn đối diện thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra sáng 6/12, nền kinh tế 11 tháng qua cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn.

Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng hiệu quả hơn trước bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước, củng cố ngày càng vững chắc các kết quả quan trọng đã đạt được trên các lĩnh vực.  

Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Xuất siêu 25,83 tỷ USD, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ 2022.

Vốn FDI đăng ký đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chủ yếu là vốn đăng ký mới (42,4%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, cao hơn gần 123.000 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cũng tăng 10%. Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận tăng 6,3%.

Tuy nhiên, thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính vẫn là những khó khăn mà khu vực sản xuất, doanh nghiệp phải đối mặt. Trong đó, hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 28/11 chỉ tăng 8,78% (cùng kỳ tăng 12,01%).

Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chậm được sửa đổi, còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp sáng 6/12 (Ảnh: VGP).

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, các thách thức còn rất lớn, tạo sức ép lên tăng trưởng, điều hành tỉ giá và ổn định vĩ mô. Tỉ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra, việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn. Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao.

Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn cần theo dõi sát để chủ động ứng phó. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Điều này thể hiện qua tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cục bộ; vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ngoài nguyên nhân do chịu tác động từ tình hình thế giới phức tạp, khó lường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, công tác dự báo của các cơ quan chưa sát, dẫn tới tham mưu, phản ứng chính sách bị động. Một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc thể chế, nhất là những vấn đề phát sinh mới.

Trước các khó khăn đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, các thách thức còn rất lớn, tạo sức ép lên tăng trưởng, điều hành tỉ giá và ổn định vĩ mô (Ảnh: Phạm Tùng).

Dự báo trong thời gian tới, bối cảnh có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chính sách tiền tệ cần điều hành chủ động, linh hoạt cùng chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục ở mức độ, thời điểm phù hợp, nhằm hạn chế tối đa tác động lên lạm phát, đời sống người dân.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, phát triển kinh tế số, các ngành, lĩnh vực sản xuất chíp, bán dẫn, linh kiện, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là nhân lực trong ngành sản xuất chíp và bán dẫn.

Cùng với đó, đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền.