Sự kiện

Bộ GTVT tiếp tục "hứa hẹn" tiến độ dự án Cát Linh - Hà Đông

Sau 8 lần dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn về đích, mới đây bộ GTVT lại tiếp tục "hứa hẹn" về mốc thời gian hoàn thành tuyến đường.

Mặc dù được Bộ trưởng bộ GTVT chỉ đạo đưa vào khai thác dịp cuối tháng 4/2019, thế nhưng đến thời điểm hiện tại đã là ngày cuối cùng của tháng 5/2019, dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể chở khách. Đây cũng đã là lần lỡ hẹn thứ 8 của dự án này, lần gần nhất là vào tháng 4/2019.

Trước đó, ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho biết, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Tuy nhiên, phần 1% còn lại từ hơn nửa năm trước tới nay vẫn được báo cáo còn đó.

Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội ngày 17/5/2019, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hiện dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Dự án đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết”.

Sau 8 lần dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn về đích, mới đây bộ GTVT lại tiếp tục "hứa hẹn" về mốc thời gian hoàn thành tuyến đường.

Cũng theo ông Thể, dự án còn nhiều điểm vướng mắc như: Tổng thầu (Trung Quốc) chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng…

Bộ trưởng Thể khẳng định: “Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện”.

Bên cạnh sự “ì ạch” của dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, theo bộ GTVT, các dự án đường sắt đô thị hiện đều chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư (đội vốn), như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Lý giải cho sự chậm trễ của các dự án đường sắt đô thị, bộ GTVT cho biết: “Do đây là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của Chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế. Các tư vấn tham gia thực hiện dự án đều là các tư vấn lớn, tuy nhiên thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả Chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu như: thay đổi về thông số kỹ thuật, quy mô xây dựng như cục bộ về bình đồ tuyến và một số thông số kỹ thuật của Dự án (tải trọng trục, cự ly tim đường, đường kính trong hầm, ray, hệ thống thông tin tín hiệu..); thay đổi về quy mô xây dựng so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây; thay đổi về quy mô xây dựng công trình đường sắt ngầm; thay đổi quy mô về hệ thống điện…".

Về trách nhiệm, bộ GTVT nhìn nhận, để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tư vấn. Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan khác cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Giải pháp ông Thể đặt ra vẫn là điệp khúc "tăng cường” như: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành của các địa phương, nâng cao kỷ cương trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc; Tăng cường áp dụng các giải pháp hiệu quả về kỹ thuật - công nghệ.…

 

Được biết, dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (trong đó, vay ODA của Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD) đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng, tăng thêm trên 40%) do chậm tiến độ. Theo dự kiến ban đầu thì toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành tháng 6/2014, tháng 6/2015 đưa vào khai thác.

Thời điểm đó, người dân Hà Nội rất háo hức khi biết Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao, giúp giảm tải một phần cho các tuyến phố mà đường sắt trên cao đi qua. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khác nhau, nhất là phải xác định lại tổng mức đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, dự án đã nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ và tính đến nay số lần dự án này lỡ hẹn đã lên con số 8.

 

Nguyễn Lâm