Chính sách

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị sử dụng thu phí tự động không dừng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng.

Theo báo Đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện việc dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện thu phí do bộ, ngành, địa phương quản lý.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng khi qua các trạm thu phí.

Chỉ có khoảng 30% phương tiện đang sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Thông tin trên báo VnExpress, ngày 2/4, tại tọa đàm về thu phí không dừng, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Đối tác công tư PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tốc độ triển khai việc này khá chậm, hiện chỉ có khoảng 720.000 xe dán thẻ trong tổng số 3,5 triệu ôtô trên toàn quốc.

Tỷ lệ xe sử dụng thẻ cũng chưa đạt yêu cầu vì chỉ khoảng 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ này, các phương tiện còn lại đã dán thẻ song không dùng. "Nguyên nhân do người dân cảm thấy chưa thuận tiện", ông Huy đánh giá. 

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty thu phí tự động (VETC) - nhà cung cấp dịch vụ cho hay, số lượng thẻ dán trên xe chưa đạt kỳ vọng của dự án và yêu cầu của Bộ Giao thông do nhiều người e ngại sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam, người dân chưa hiểu rõ thuận lợi khi xe lưu thông qua trạm. Có lái xe còn nghĩ khi dán thẻ sẽ bị "giám sát" lộ trình trên toàn quốc nên không muốn dán thẻ trên xe.

Lý do nữa là trạm thu phí không dừng chưa đầy đủ ở trạm cửa ngõ thủ đô Hà Nội và TPHCM, trong khi các thành phố này có lượng xe nhiều hơn các TP khác. Tại miền Trung, các trạm đã thực hiện thu phí tự động nên phương tiện ở miền Trung đã dán gần hết.

Liên quan đến việc chậm trễ áp dụng hình thức sử dụng thu phí không dừng, trước đó báo Tiền Phong có bài phản ánh về một số rào cản làm ảnh hưởng đến quá trình này.

Theo tờ báo này, đứng sau các dự án BOT giao thông là các ngân hàng tài trợ vốn, với tỷ lệ cho vay lên tới 80-90% vốn đầu tư. Có thể nói, ngân hàng mới là “ông chủ” thật sự của các dự án BOT. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại tạo cơ chế hướng đến việc để dòng tiền thu phí tự động không dừng (ETC) chỉ chảy vào 1 ngân hàng.

Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 với Cty TNHH Thu phí tự động (VETC), tài khoản thu phí của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện sẽ cùng một ngân hàng. Trong khi đó, chủ ô tô muốn dùng dịch vụ thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Điều này không chỉ khiến chủ xe không hào hứng nộp tiền trước để sử dụng thu phí tự động, các ngân hàng khác cho vay vốn làm BOT giao thông cũng không ủng hộ.

Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân tại sao các trạm BOT lại chưa thực hiện việc thu phí không dừng. Ðặc biệt, cần phải làm rõ việc trì hoãn này có xuất phát từ lý do lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế của chủ đầu tư.

Ngoài ra, theo một số nhà đầu tư BOT, vì lý do công nghệ, nên nhà đầu tư BOT không thể lắp thêm hệ thống giám sát số lượng xe qua lại trạm thu phí, và giám sát đơn vị thu phí tự động. Điều này khiến một số nhà đầu tư BOT cảm thấy chưa đủ sự tin tưởng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thu phí tự động. Nhà đầu tư BOT này nhìn nhà đầu tư khác để làm, khiến triển khai thu phí tự động gặp khó khăn...

Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...

Hệ thống thu phí không dừng giúp người sử dụng biết mình phải đóng bao nhiêu tiền, cơ quan quản lý có thể giám sát số thu và lượng xe tại các trạm BOT. Hệ thống cũng có thể ghi nhận thông tin để phát hiện biển số xe giả, xe hết hạn đăng kiểm, xe vi phạm giao thông...

H.Y (tổng hợp)