Giáo dục

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 1 đến hết ngày 15/7

Bộ GD&ĐT vừa có thông báo số 543/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Theo đó, Bộ sẽ nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 1 của các tổ chức, cá nhân, từ ngày 1-15/7.

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1 của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Theo bộ GD&ĐT, hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa có nhu cầu thẩm định sách giáo khoa cần đảm bảo yêu cầu thực hiện thông qua đơn vị đề nghị thẩm định là các nhà xuất bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện thông qua đơn vị đề nghị thẩm định là các nhà xuất bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Trong đó, đơn vị tiếp nhận hồ sơ là vụ Giáo dục tiểu học, bộ GD&ĐT. Trình tự giải quyết hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Từ ngày 1-15/7, bộ GD&ĐT bắt đầu tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 1 trong giờ hành chính, của các tổ chức, cá nhân biện soạn sách giáo khoa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu hồ sơ gửi qua bưu điện, thời gian được tính theo ngày của dấu bưu điện đóng trên bưu phẩm. Hồ sơ được gửi về vụ Giáo dục tiểu học, bộ GD&ĐT, số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa gồm đơn đề nghị thẩm định sách giáo khoa; bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định. Tác giả cũng cần gửi thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định, bao gồm: tên sách giáo khoa; tên tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu sách có chủ biên, tổng chủ biên); mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; quá trình và kết quả thực nghiệm; các thông tin liên quan khác (nếu có). Hồ sơ kèm theo lý lịch khoa học của các tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu sách có chủ biên, tổng chủ biên) và người biên tập.

Trường hợp bản mẫu sách giáo khoa được hội đồng thẩm định đánh giá "Đạt," đơn vị tổ chức thẩm định hoàn thiện hồ sơ, lập báo cáo thẩm định, dự thảo quyết định trình Bộ trưởng bộ GD&ĐT xem xét, quyết định việc phê duyệt, cho phép sử dụng.

Bộ GD&ĐT sẽ nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 1 của các tổ chức, cá nhân, từ ngày 1-15/7. (Ảnh minh họa).

Trường hợp bản mẫu sách giáo khoa được hội đồng đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" thì đơn vị tổ chức thẩm định trình Bộ trưởng bộ GD&ĐT văn bản thông báo cho đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ gửi Bộ đề nghị thẩm định lại. Hồ sơ đề nghị thẩm định lại bao gồm bản mẫu sách giáo khoa đã chỉnh sửa, bổ sung; báo cáo tổng hợp nội dung tiếp thu hoặc giải trình nội dung không tiếp thu kết luận của hội đồng.

Trường hợp bản mẫu sách giáo khoa được hội đồng đánh giá "Không đạt" thì đơn vị tổ chức thẩm định thông báo kết quả thẩm định cho đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa. Nếu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn sách giáo khoa thì bản mẫu sách giáo khoa phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định như lần đầu.

Trước đó, tại buổi họp báo quý I của bộ GD&ĐT ngày 26/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT đã cho biết, Bộ sẽ tổ chức tuyển chọn chủ biên, tác giả để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm 2019 sẽ tập trung biên soạn sách lớp 1 để kịp cho năm 2021, năm học đầu tiên áp dụng chương trình mới.

Cụ thể, Bộ sẽ tập huấn để đảm bảo sách giáo khoa mới thể hiện được nội dung, mục tiêu mà phương pháp dạy học theo chương trình mới hướng tới là nâng cao năng lực của học sinh; sẽ có những yêu cầu như những nội dung theo xu thế thực tế như bình đẳng giới, chống định kiến, giáo dục tài chính…

Theo ông, mục tiêu để bộ sách giáo khoa hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của thầy và trò, làm sao để học sinh trong các bài học được thực hiện các hoạt động học một cách tích cực, chủ động và tự lực, nghiên cứu sách giáo khoa để học sinh tiếp cận và vận dụng kiến thức để phát triển năng lực và phẩm chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về lộ trình tập huấn cho giáo viên, Bộ sẽ tập trung triển khai tập huấn 900.000 giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông, được thành với 4 cấp: cán bộ quản lý của sở và phòng (đơn vị tổ chức quản lý, chỉ đạo triển khai); Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng (cấp tổ chức thực thi tại các cơ sở giáo dục); giáo viên và giảng viên sư phạm chủ chốt (người trực tiếp triển khai, đào tạo, tập huấn giáo viên).

Bộ GD&ĐT cũng sẽ thực hiện phương thức đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên qua mạng và qua hình thức trực tiếp. Nội dung không chỉ là lý thuyết mà sẽ tập trung nhiều vào nghiên cứu các trường hợp cụ thể, có các bài học minh họa.

Trong năm 2019, Bộ đã lên kế hoạch tập huấn cho khoảng 70.000 giáo viên dạy lớp 1 trước để đảm bảo tiến độ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.