Giáo dục

Bộ GD-ĐT sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo về tác động của ChatGPT

Chỉ hai tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đang là ứng dụng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng và giới chuyên gia.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên "cơn sốt" toàn cầu. ChatGPT có khả năng viết báo, luận văn, truyện cười và thậm chí là thơ… Tuy nhiên đi cùng với đó một số chuyên gia lo ngại rằng công nghệ này có thể bị lạm dụng để đạo văn, lừa đảo và truyền bá thông tin sai lệch, ngay cả khi ChatGPT được ca ngợi như bước đột phá mới của công nghệ AI. Bởi hầu hết các câu trả lời của ChatGPT đều không dẫn nguồn, dẫn đến việc thông tin mà AI này đưa ra có thể sai lệch, gây nguy hiểm cho người dùng trong việc đưa ra các quyết định quan trọng.

Thậm chí với khả năng tạo ra một lượng lớn văn bản một cách nhanh chóng và thuyết phục, các công cụ AI tổng quát như ChatGPT có thể được sử dụng để phổ biến tin tức không chính xác, thậm chí là tin giả mạo trên quy mô lớn.

Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi tổ chức OpenAI, đơn vị sáng lập và vận hành ChatGPT cũng đã đưa ra cảnh báo rằng, ChatGPT đôi khi có thể tạo ra thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm, vì vậy người dùng nên cẩn thận. Các câu trả lời nghe có vẻ hợp lý và thậm chí có căn cứ, nhưng chúng có thể hoàn toàn sai.

Khi ChatGPT xuất hiện và thu hút hàng triệu người dùng trên toàn thế giới mỗi ngày, thì chủ đề “ChatGPT ảnh hưởng như thế nào với giáo dục?” cũng được đưa ra thảo luận.

ChatGPT đang tạo ra “cơn sốt” trên toàn cầu. (Ảnh minh họa).

Hiện, Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục nhận thức cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

Trước mắt, vào 14h hôm nay (13/2), Bộ GD-ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Những ngày qua, sau khi thông tin tọa đàm được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà quản lý, cộng đồng giáo viên, chuyên gia giáo dục và chuyên gia công nghệ. Đặc biệt, cộng đồng giáo dục chia sẻ và bày tỏ sự đón đợi nhiều trên mạng xã hội.

Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục.

Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.

Quốc Tiệp (t/h)