Chính sách

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong vụ “đường lưỡi bò” phi pháp tồn tại lâu năm trên giáo trình trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ?

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan Nhà nước. Vậy, cơ quan Nhà nước nào phải chịu trách nhiệm về việc này?

Vụ việc giáo trình của khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được giảng dạy tại trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhiều năm qua đang gây bức xúc trong dư luận. Bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã trao đổi với PV xoay quanh vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: "Với những tác phẩm, sản phẩm in bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp được phát hiện thì trước mắt phải cho dừng lại. Tiếp đó, phải xem xét xử lý trách nhiệm. Đây là nguyên tắc".

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức. Ảnh Ngọc Thắng

“Có thể vô tình hoặc hữu ý, có những người tặc lưỡi cho qua. Tôi nghĩ trong những sai sót kể trên có thể nhiều người do vô tình, không để ý.

Còn câu chuyện để lưu hành sách giáo khoa, giáo trình rồi thì chắc chắn phải xem xét về vấn đề có cố ý không, không thể loại trừ có thể là do cố tình. Ai cũng nói rằng vô tình, không kiểm soát, cứ đổ trách nhiệm cho nhau thì không được. Cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan, nhất là những người được giao chức năng quản lý trong lĩnh vực này” - Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.

Khi phóng viên đặt câu hỏi cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về vụ việc này, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nói: “Trách nhiệm đầu tiên là Hội đồng khoa học của nhà trường, đơn vị được giao kiểm soát hệ thống giáo trình đại học của bộ GD&ĐT, trách nhiệm của nhà xuất bản in ấn giáo trình đó. Nếu giáo trình do nhà trường tự in thì phải xem xét trách nhiệm của nhà trường”.

Cũng theo Thiếu tướng Đức, Quốc hội cần phải có cuộc giám sát về việc xuất nhập khẩu tất cả các loại sản phẩm như bản đồ, sách báo, phim ảnh, thơ ca hò vè, kể cả những công trình nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án nghiên cứu về biểu đồ mà có bản đồ.

"Phải rà soát, xem lại hết xem bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp không", vị Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc rà soát như vậy cũng giúp làm rõ vấn đề kiểm soát các quy trình nhập khẩu, từng chi tiết xem có đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia, văn hoá, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam hay không. Từ đó xem sai sót ở mắt xích nào, tuỳ theo quy định của pháp luật để xử lý.

Cũng qua những vụ việc trên, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cho rằng, rõ ràng đang có một lỗ hổng trong vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực này. Cần phải xem lại từng mắt xích một, từ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đến thực thi, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

"Trên mọi phương diện phải tính toán để mọi người hiểu được đâu là lãnh thổ Việt Nam, đâu là lãnh thổ nước bạn, để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa tôn trọng chủ quyền nước bạn" – Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nói.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cũng đưa ra đề xuất: “Nhân dịp này, chúng ta nên rà soát lại hệ thống sách giáo khoa, giáo trình trong tất cả hệ thống trường học liên quan đến vấn đề bản đồ, biểu đồ, kể các các phần mềm cài trên các ứng dụng, google…”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện bộ GD&ĐT dường như chối bỏ trách nhiệm về việc này. Vị này nói: "Trường có quyền tự chủ trong lựa chọn hoặc biên soạn giáo trình; trường có trách nhiệm xử lý và đang xử lý theo thẩm quyền".

Công Luân - Hoa Liên