Tiêu dùng & Dư luận

Bộ Công Thương huy động lực lượng “khủng” làm rõ nghi vấn Asanzo đội lốt hàng Trung Quốc

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ Công Thương đã yêu cầu hàng loạt cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, để làm rõ nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa của tập đoàn Asanzo.

Chiều 25/6, đại diện Văn phòng bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo trước nghi án hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt.

Trong đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các cơ quan có liên quan như: cục Xuất nhập khẩu, cục Công nghiệp, vụ Khoa học Công nghệ, vụ Thị trường trong nước, tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.

Từ đó, các cơ quan phải trình lãnh đạo bộ Công Thương những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...

Chủ tịch tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận, 70% linh kiện làm nên tivi "made in Viet Nam" được nhập từ Trung Quốc.

Cùng thời điểm, ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả (ban Chỉ đạo 389) cũng đã đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm với hàng hóa giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam.

Theo ban Chỉ đạo 389, các hành vi gian lận thương mại, giả nguồn gốc xuất xứ đã gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tối qua (24/6), thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Tài chính, cơ quan Thường trực ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với bộ Công an, bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc công ty Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán tại thị trường trong nước, làm rõ vi phạm nhằm xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo bộ Tài chính và bộ Công Thương khẩn trương vào cuộc và báo cáo kết quả trước ngày 30/7.

Vụ bê bối xuất xứ hàng hóa sản phẩm điện tử Asanzo khiến người tiêu dùng thất vọng.

 

Theo hồ sơ, công ty Cổ phần Asanzo được thành lập vào cuối năm 2013 với nhà máy ban đầu có trị giá 20 triệu USD được xây dựng tại TP.HCM. Từ doanh nghiệp với vốn điều lệ ban đầu khá ít ỏi, Asanzo đã vươn lên trở thành đế chế ngàn tỷ trong ngành điện tử.

Từ một doanh nghiệp sản xuất tivi, sau 5 năm, Asanzo trở thành tập đoàn có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử, 7 nhà máy và hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng, 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc.

Năm 2015, Asanzo doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng và năm tiếp theo đạt 2.500 tỷ đồng với 500.000 chiếc tivi được tiêu thụ. Đến năm 2017, Asanzo đã nâng doanh thu lên 4.600 tỷ đồng. Năm ngoái, Asanzo đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng với hơn 4 triệu sản phẩm các loại được bán ra.

Gần đây, Asanzo vướng vào nghi án nhập hàng Trung Quốc sau đó "xé nhãn" rồi gắn mác "made in Vietnam". Sự việc gây nhiều dư luận tiêu cực về hàng Việt.