Chính sách

Bộ Công an sẽ làm rõ đúng sai việc đội vốn ở dự án Cát Linh-Hà Đông

Về dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông đội vốn, chậm đưa vào vận hành, Bộ trưởng bộ GTVT cho hay, sắp tới các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra của bộ Công an sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong phiên chất vấn sáng nay 5/6, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đã “truy” trách nhiệm của những người liên quan tới dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: “Dự án được bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư và phê duyệt từ năm 2009 và dự án vốn ban đầu là 8.769 tỷ. Theo Báo cáo của bộ Giao thông vận tải và điều chỉnh nâng năm 2016 lên 18.000 tỷ đồng và dự kiến đưa vào vận hành là năm 2013 đến nay dự án vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại được.

Xin hỏi Bộ trưởng lý do gì mà đến nay qua chạy thử rồi đã 99% phần thi công hoàn thành mà vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại. Có xem xét đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đội vốn kéo dài dự án này không?".

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng nay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay: “Dự án Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức từ 8.679 tỷ lên 18.001 tỷ. Dự án này được phê duyệt năm 2009 và 2010, 2011, 2012 là những năm chúng ta trượt giá, biến động rất lớn về kinh tế vĩ mô. Trượt giá chúng tôi thống kê khoảng 49%, chưa tính đến yếu tố công nghệ.

Trong quá trình chúng ta vận hành, triển khai phát sinh công tác giải phóng mặt bằng, các linh kiện thì xin thưa các đồng chí có thực tế như vậy. Tôi nghĩ con số này sắp tới các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan điều tra của bộ Công an sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu những đơn vị nào làm sai, chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với bộ Giao thông vận tải, chúng tôi đang chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt cố gắng cùng với các đơn vị có liên quan sớm vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi vận hành chúng ta sẽ tiến hành các thủ tục liên quan đến công tác quyết toán, kiểm toán và xử lý các số liệu có liên quan.

Việc triển khai thu phí tự động không dừng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn. Cụ thể, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) cho hay: “Hiện nay số chủ xe ô tô đồng ý mở tài khoản và dán thẻ thu phí còn ở mức khiêm tốn, điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của chủ trương này. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp  gì để giải quyết vấn đề trên?”

Ý kiến đại biểu Vũ Thị Nguyệt đoàn Hưng Yên, Bộ trưởng bộ GTVT cho hay: “Về tiến độ lắp đặt thiết bị như tôi đã báo cáo tương đối là bám sát chỉ đạo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay có bất cập là việc dán thẻ và nộp tiền vào thẻ để sử dụng còn hạn chế.

Đây là nguyên nhân do chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống nên các trạm thu phí mặc dù có làn thu phí không dừng nhưng ta vẫn thu phí thủ công. Hiện nay có tâm lý thu phí tự động cũng được hoặc thủ công cũng được, do đó tâm lý lái xe mặc dù dán thẻ cũng có thể không nộp tiền mà đi theo phương thức thủ công.

Hiện nay chúng ta chưa khép kín toàn bộ các trạm trên toàn quốc về dán thẻ nên số lượng doanh thu từ làn thu phí không dừng không cao, do đó có tâm lý thực hiện chậm.

Để giải quyết việc này, bên cạnh việc chỉ đạo đơn vị lắp đặt thiết bị theo đúng tiến độ sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả phương tiện chưa dán thẻ hoặc chưa nộp tiền phải đi vào làn thủ công.

Chúng tôi đã bố trí mỗi trạm khoảng 2 làn thủ công, nếu phương tiện nào không chấp hành sẽ xếp hàng và lúc đó là 5 hay 10 kilomet cũng phải xếp hàng vì không được quyền đi vào làn thu phí tự động, tạo điều kiện cho lái xe dán thẻ cũng như nộp tiền.

Để nộp tiền thuận lợi, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để liên kết tài khoản thu phí với tài khoản ngân hàng để thuận lợi. Chúng tôi nghĩ có nhiều giải pháp nhưng sẽ tham mưu ban hành nhiều văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dán thẻ”.

Nhóm PV Quốc hội