Chính sách

Bộ Công an lý giải đề xuất bổ sung thông tin ADN vào dữ liệu căn cước công dân

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) lên tiếng lý giải việc đề xuất bổ sung ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước công dân.

Bộ Công an mới đây hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, có các đề xuất liên quan đến việc bổ sung ADN, giọng nói... vào dữ liệu căn cước công dân.

Khi đề xuất trên được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, nhiều ý kiến quan tâm về hướng triển khai việc bổ sung ADN vào dữ liệu căn cước công dân; việc phân tích ADN nhiều ý kiến cho rằng sẽ tốn khá nhiều chi phí thực hiện...

Về vấn đề này, tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 tổ chức chiều 30/6, Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết việc thu thập, bổ sung ADN vào căn cước công dân là cần thiết, phục vụ lợi ích của chính nhân dân.

Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an)

Ví dụ như trong ngành y để phục vụ xác định huyết thống, hoặc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm xác định, truy tìm tung tích nạn nhân. Hàng năm, rất nhiều nạn nhân tử vong không xác định được nhân thân. Nếu như có dữ liệu ADN thì việc kiểm tra, xác định danh tính đối với những trường hợp này sẽ thuận tiện.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đang đăng tải lấy ý kiến đóng góp của người dân để sửa Luật căn cước công dân, trong đó có nội dung liên quan đến việc thu thập, bổ sung ADN vào căn cước công dân.

Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như xu hướng trên thế giới, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhận thấy việc thu thập, bổ sung ADN vào căn cước công dân là rất cần thiết, cần phải đưa vào luật.

Quá trình thu thập, bổ sung những dữ liệu ADN vào căn cước công dân sẽ được Bộ Công an thực hiện đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu bảo mật thông tin.

Đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm tuyên truyền tới nhân dân toàn diện về vấn đề này.

Ngoài đề xuất liên quan đến việc bổ sung ADN, giọng nói... vào dữ liệu căn cước công dân, trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an cũng đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về căn cước công dân) vào thẻ Căn cước công dân và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp; bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp...

Thứ hai, chỉnh lý quy định về Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và bổ sung các nhóm thông tin vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, theo đó bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).

Thứ ba, bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi; bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ Căn cước công dân cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; định danh điện tử; cấp, hủy số định danh của cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan...

Tuệ Minh