Chính sách

Bộ Công an kiến nghị bắt buộc xe máy kiểm tra khí thải định kỳ

Bộ Công an kiến nghị cần bổ sung các quy định của pháp luật như bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có định kỳ kiểm tra khí thải.

Ngày 1/9, cổng thông tin điện tử cục CSGT (bộ Công an) đăng tải, bộ Công an vừa có văn bản trao đổi với bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông

Theo bộ Công an đánh giá, với hơn 50 triệu ô tô và mô tô hiện nay, có 5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông làm ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị.

Nguyên nhân thứ nhất, số lượng phương tiện cá nhân, nhất là mô tô (chạy động cơ xăng tăng nhanh) và không kiểm soát về khí khải khi hoạt động.

Nguyên nhân thứ hai, các ô tô, nhất là ô tô cá nhân tăng, nhưng phần lớn tiêu chuẩn về khí thải chỉ đạt mức tối thiểu để giảm giá bán.

Nguyên nhân thứ ba, công cụ kiểm soát khí thải từ giá xăng, dầu chưa hiệu quả, kiểm soát khí thải từ đăng kiểm chỉ có chỉ số đạt hay không đạt dẫn đến thiếu kích thích chủ xe nâng cao chất lượng phương tiện của mình.

Nguyên nhân thứ tư, hiện vẫn áp chung chính sách thuế, phí liên quan đến phương tiện, không có chính sách ưu tiên phương tiện giảm ô nhiễm không khí, phương tiện thân thiện với môi trường (xe điện, tiết kiệm nhiên liệu) để kích thích sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ xe.

Nguyên nhân thứ năm, việc hạn chế phương tiện cá nhân một số địa phương đã đưa ra phương án, nhưng tính thực thi rất khó, phụ thuộc nhiều vào sự phát triển phương tiện công cộng, việc quy hoạch và phát triển đô thị.

Đồng thời, với tốc độ phát triển kinh tế được đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, theo kinh nghiệm quốc tế khi thu nhập đầu người trên 3000 USD sẽ bùng nổ phương tiện ô tô cá nhân và xu hướng chuyển từ mô tô sang ô tô sẽ nhanh chóng, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng và ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Có cơ chế để khuyến khích phát triển xe điện

Từ các nguyên nhân trên, bộ Công an đề nghị bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông.

Cụ thể, bộ Công an kiến nghị cần bổ sung các quy định của pháp luật như bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có định kỳ kiểm tra khí thải. Tuy nhiên đơn giản hóa việc kiểm tra, không thể đưa vào trạm kiểm định như ô tô.

Có chế định liên quan đến bảo hành, bảo trì và đặc biệt là bảo dưỡng thường xuyên phương tiện giao thông, kèm theo đó là chế tài đủ mạnh nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành.

Bổ sung thông số về khí thải trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, màu của tem kiểm định để phân biệt các thông số khí thải, cung cấp cho người tiêu dùng từ nhập khẩu đến kiểm định định kỳ.

Có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, tăng đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu.

Có cơ chế để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam, như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe điện.

Cần có lộ trình hạn rõ ràng, khả thi hơn về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe máy và tiến tới cấm xe máy quá niên hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông để bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và mức phát thải giữa 2 kỳ kiểm định, kèm theo đó là chế tài xử lý nghiêm minh.

Trong khi đó, bộ Công an sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung đầy đủ dữ liệu liên quan đến loại động cơ, loại nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện.

Thiết kế và lắp biển số xe có đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện…) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu và đề xuất ưu tiên cho phép tham gia giao thông trên những tuyến đường mà phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu không được phép lưu thông.

Đề xuất lệ phí trước bạ ôtô điện bằng một nửa so với xe dùng xăng, dầu

Để khuyến khích việc sản xuất và sử dụng ôtô điện chạy pin góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 140 về lệ phí trước bạ, bộ Tài Chính đã đề xuất mức thu nộp lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô điện chạy pin bằng 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi.

Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống lần đầu tại Tp.HCM và Hà Nội là 15%, các tỉnh, thành phố còn lại áp dụng mức 10%.

Trong tờ trình Chính phủ, bộ Tài chính báo cáo trường hợp đề xuất trên được chấp thuận và áp dụng, bộ Tài chính cho rằng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô điện sẽ là 5-7,5%.

Việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô điện sẽ góp phần làm giảm chi phí cho người tiêu dùng khi đăng ký sở hữu phương tiện, từ đó kích thích tiêu dùng, khuyến khích người dân lựa chọn và sử dụng sản phẩm này.

Theo tính toán của bộ này, với ôtô chạy xăng, dầu có giá bán 600 triệu đồng, mức lệ phí trước bạ lần đầu là 60-90 triệu đồng. Khi lệ phí trước bạ xe chạy điện được giảm một nửa so với ôtô chạy xăng, dầu thì lệ phí trước bạ mà chủ xe sẽ phải nộp là 30-45 triệu đồng.

Xem thêm:Nghị định 69: Lời giải cho "bài toán" xây dựng lại chung cư cũ

Xem thêm: Từ 1/10, áp dụng quy định mới về thu phí sử dụng đường bộ

Xem thêm: Từ 1/9, sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng lương hưu

Tuệ Minh