Văn hoá

Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu”: Hãy để trẻ em làm, để cho trẻ em lên tiếng

Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” mới đây được thực hiện bởi các em học viên tại trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em Shine Academy phối hợp cùng nữ nhiếp ảnh gia Dạ Miêu thực hiện đang gây nhiều tranh cãi.

Một luồng ý kiến cho rằng, bộ ảnh này ý tưởng rất hay, mang nhiều tính nhân văn về thông điệp lan tỏa cho cộng đồng. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng bộ ảnh này gây mất thiện cảm khi công khai để lộ mặt các em mẫu nhí, gây hiểu lầm rằng đây là nạn nhân thật trong những vụ xâm hại tình dục dẫn đến các em mang thai.

Để đánh giá khách quan hơn về vấn đề đang tranh cãi này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia với nhiều góc độ khác nhau để đánh giá khách quan hơn về bộ ảnh đang tốn nhiều giấy mực này.

Bộ ảnh đang gây nhiều tranh cãi từ khi được đăng tải trên mạng xã hội

TS.Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chuyên gia giáo dục cho biết: Tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay, tôi không thấy vấn đề gì cả, vì các em đây là mang bầu giả chứ không phải thật. Việc mang bầu giả chụp ảnh cũng giống như việc các em đang đóng một bộ phim, các em đang hóa thân vào nhân vật của mình chứ không phải là thật”.

TS.Hương phân tích: “Giả sử những em bé này chính là nạn nhân trong vụ xâm hại trẻ em dẫn đến mang bầu mà lộ mặt, thì mới ảnh hưởng đến tâm lí sau này của các em. Vì nó sẽ lộ ra những vấn đề chưa phù hợp với lứa tuổi, các em sẽ phải chịu những ánh mắt của xã hội, lúc đấy mới có vấn đề. Còn đây các em chỉ mang bầu giả và còn có sự đồng ý cam kết của người giám hộ là các bậc phụ huynh của các em thì đây là một chuyện hết sức bình thường”.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương bày tỏ quan điểm của mình về tranh cãi của bộ ảnh

“Tôi hoàn toàn ủng hộ dự án này, vì những em mẫu nhí này đang hoạt động cộng đồng, các em đang cống hiến, đang lan tỏa thông điệp đến cộng đồng, tôi khuyến khích các em tham gia những dự án như thế này.

Việc tác giả không chú thích rõ ràng trong ảnh là điều tất nhiên, bởi nếu chú thích rõ ràng thì bộ ảnh này sẽ không thể đạt được hiệu ứng truyền thông”, vị tiến sĩ này cho biết thêm.

“Tôi thấy nhiều người luôn luôn áp đặt rằng trẻ em sẽ không làm được những điều lớn lao, trẻ em kém cỏi… thực ra các em rất là giỏi, trẻ em sẽ làm được rất nhiều như người lớn. Các em có quyền phát ngôn, có quyền đưa ra ý kiến của riêng mình. Giống như các em đi đóng phim, nhiều em sẽ đóng vai phản diện, tuy nhiên ngoài đời các em không phải là người như thế và mọi người sẽ hiểu và biết cả.

Hãy để trẻ em làm, để cho trẻ em lên tiếng. Đây là bước đệm tốt nhất cho các em sau này, các em sẽ biết và tránh. Đây cũng có thể coi là một hoạt động giáo dục giới tính ngoại khóa, tôi cũng đã từng cho học sinh mang bụng bầu giả nặng 5kg, và sau khi các em mang xong các em có bảo rằng “mang bầu nặng quá, khổ quá, các em bảo sẽ không quan hệ tình dục cho đến khi lớn lên”, các em bảo thương mẹ hơn vì mẹ khổ cực thế nào. Đây là phương pháp mà tất cả các nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng để giáo dục giới tính cho các em”, vị tiến sĩ này kết luận.

Nhiều ý kiến cho rằng việc để lộ mặt các em mẫu nhí sẽ gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chính các em

Về vấn đề pháp lý, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nghiêm Quang Vinh, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Về việc bộ ảnh này để lộ mặt các em gái mẫu nhí từ 8-12 tuổi với nhiều biểu cảm thần thái khác nhau, nhưng đã được sự đồng ý của chính các em mẫu nhí và các bậc phụ huynh là người giám hộ thì tôi thấy không vi phạm đến quyền riêng tư của trẻ em, vì nội dung bản cam kết đã đồng ý những điều khoản này.

Giả sử  sau này khi các em nhìn lại bộ ảnh này mà tâm lí bị ảnh hưởng thì bên phía tác giả không phải chịu bất cứ bồi thường thiệt hại nào, vì nếu thời điểm đặt bút kí phía người giám hộ của các em không yêu cầu khoản này thì không thể kiện được.  Người ta gọi “bút sa gà chết”, tuy nhiên về vấn đề này đây là hoạt động tốt cho xã hội mà các em còn được tập huấn rồi thì cái này không ảnh hưởng gì đến các em cả”.

Bà Lê Thị Túy, chuyên gia tâm lí cho biết: “Truyền thống người Việt Nam là luôn ngại và khi nói đến vấn đề tình dục luôn né tránh vì cho rằng nó không trong sáng. Tuy nhiên đây là một vấn đề sai lầm của chúng ta, nhiều nước trên thế giới từ cấp 1 trẻ em đã được giáo dục giới tính rất rõ ràng. Còn ở Việt Nam lớp 5 môn Tự nhiên bài đầu tiên có bài giáo dục giới tính nhưng bị bỏ vì nghĩ nó không phù hợp với lứa tuổi của các em. Dẫn đến nhận thức của các em về vấn đề tình dục và cách phòng tránh không hề có”.

Dự án "Những đứa trẻ mang bầu" thông qua hình ảnh những bé gái mang bầu với gương mặt sợ hãi được chụp rõ nét được ê-kip cho biết nhằm vào mục đích nâng cao nhận thức về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Trong bộ ảnh, những bé gái độ tuổi 8-12 tuổi được chọn đóng vai những nạn nhân ấu dâm, tay ôm chiếc bụng bầu với khuôn mặt hoang mang, những giọt nước mắt sợ hãi. Kèm theo từng khung ảnh là những câu nói ám ảnh người xem và số liệu thông tin về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Dưới mỗi khung hình là phần credit khá dày bao gồm tên đơn vị thực hiện, tên bộ ảnh, tên nhiếp ảnh gia, logo..

Chia sẻ về bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” nhiếp ảnh gia Dạ Miêu cho biết:  Sự góp mặt của 4 học viên tại Shine Academy với tư cách là người mẫu minh hoạ cho bộ ảnh và sự đồng tình của các bậc phụ huynh, là những người đã dũng cảm, dám đứng lên chống lại định kiến, chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn, an toàn hơn cho tất cả trẻ em. “Chúng con sợ, nhưng chúng con vui vì được làm bộ ảnh này, ít nhất thì thông qua những bức hình, mọi người cũng phần nào có ý thức để bảo vệ các bạn nhiều hơn” – Ngọc Linh, một trong bốn bạn nhỏ tham gia bộ ảnh chia sẻ. “Ban đầu con sợ lắm, vì phải đeo bụng bầu giả, con sợ bị các bạn cười, nhưng sau khi được thầy Tố và mẹ nói rõ hơn về mục đích và ý nghĩa của bộ ảnh, con sẵn sàng nhập vai hơn, dù con đến sớm nhất và chụp sau cùng nhưng con cũng chẳng thấy sao, miễn mọi người có thể hiểu được thông điệp mà thầy Tố và cô Miêu muốn truyền tải” – Hải Yến chia sẻ.