Dân sinh

Bình Thuận: Sập nhà vì sạt lở, người dân sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”

"Gia đình tôi có 4 người nếu như hôm xảy ra sạt lở tôi không đề phòng thì sẽ không biết chuyện gì xảy ra và có thể nguy hiểm đến tính mạng..."

Những hình ảnh sạt lở PV ghi nhận tại phường Thanh Hải và Đức Nghĩa, Tp.Phan Thiết.

Trong ngôi nhà bị sạt lở do bị sập, bà Đặng Thị Thanh Vân ở khu phố C, phường Thanh Hải xót xa chia sẻ sự việc với PV Người Đưa Tin.

Sáng ngày 16/7, PV đến khu phố C, phường Thanh Hải, Tp.Phan Thiết, nơi vừa xảy ra hiện tượng sóng lớn, gây xâm thực bờ biển, uy hiếp và ảnh hưởng trực tiếp gần 20 hộ dân sinh sống ven biển. Trong đó, có 1 nhà bị sập hoàn toàn. Cuộc sống người dân nơi đây đang lâm cảnh "màn trời chiếu đất".

Bà Đặng Thị Thanh Vân trao đồi với PV Người Đưa Tin (Ảnh: Đắc Phú).

Bà Đặng Thị Thanh Vân, ngụ khu phố C, phường Thanh Hải đang nhìn về ngồi nhà đã bị sập trước đó và nhớ lại giây phút sợ hãi: "Vào buổi sáng cách đây 3 ngày, lúc này nước lớn ghê lắm, sóng lớn ập ào ào vào căn nhà. Tôi nghe tiếng rắc rắc tính kêu mọi người trong nhà bỏ chạy nhưng rất may họ đều đi làm.

Khi nhà chuẩn bị sập tôi cố gắng níu giữ lại những đồ dùng cần thiết mang ra ngoài tuy nhiên do sóng to ập vào mạnh nên căn nhà đã sập hết, các đồ đạc như: giường, tủ lạnh, bàn, ghế...đã theo sóng biển trôi đi".

Bà Vân nhìn về căn nhà với nét mặt buồn bã (Ảnh: Đắc Phú).

"Gia đình nhà tôi có 4 người nếu như hôm xảy ra sạt lở tôi không đề phòng thì sẽ không biết chuyện gì xảy ra và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi mong các ngành chức năng xây dựng kè chống sạt lở cho nhanh chóng để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân", bà Vân chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Đinh Hùng đang buộc dây vào bao cát để gia cố khu vực sạt lở trước nhà (Ảnh: Đắc Phú).

Ông Nguyễn Đinh Hùng, ở khu phố B, phường Thanh Hải vừa dùng các bao cát để chống sạt lở vừa chia sẻ với PV: "Tôi sống trong tình cảnh này quen rồi nhưng tôi chỉ sợ khi sạt lở vô nhà rồi thì không có chỗ mà ở nữa. Hiện tại, nhà tôi có 7 người và một trẻ nhỏ đang sinh sống. Cứ mỗi khi sạt lở là phải nơm nớp lo sợ. Tôi đề nghị cấp trên làm kè cho nhanh để cho dân bớt khổ".

Khu vực sạt lở trước nhà ông Nguyễn Đinh Hùng (Ảnh: Đắc Phú).

Theo thông tin từ UBND phường Thanh Hải, vụ sạt lở đã làm sập hoàn toàn 1 căn nhà cấp 4 khoảng 50m2 của 1 hộ dân khu phố C và một số công trình phụ của 4 hộ dân khu phố B. Ước tính thiệt hại 300 triệu đồng.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND phường đã nhanh chóng huy động khoảng 150 lượt đoàn viên, thanh niên hỗ và hỗ trợ 1.500 bao cát để đắp cát chắn sóng cho 5 hộ bị ảnh hưởng.

Nơi đây còn nhiều hộ dân có nguy cơ sạt lở (Ảnh: Đắc Phú).

UBND phường Thanh Hải kiến nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng kè biển để đảm bảo an toàn cho người dân sống tại khu vực này. Có chính sách hỗ trợ di dời và xây dựng lại nhà ở sau khi đất đã ổn định cho hộ bị sạt lở không còn nơi cư trú.

Ghi nhận của PV ở phường Mũi Né, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, gió thổi mạnh kết hợp với triều cường dâng cao đã gây sạt lở bờ biển có nguy cơ ảnh hưởng đến một số hộ dân tại địa bàn các khu phố 10, 11, 12 trên địa bàn.

Khu vực sạt lở ở phường Mũi Né (Ảnh: Đắc Phú).

Cụ thể, tại khu vực ven biển khu phố 11, hiện có 15 hộ với 73 khẩu, trong đó 13 trẻ em, 1 người già đang sinh sống, do triều cường nước biển dâng cao xâm thực gây sạt lở, có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 300m.

Điều đáng nói là có hộ bà Nguyễn Thị Hồng có 4 khẩu/1 trẻ em bị ảnh hưởng nặng, nước biển dâng cao tràn vào nhà.

Tại khu vực ven biển khu phố 10, hiện có 2 hộ với 10 khẩu, trong đó có 2 trẻ em, 2 người già đang sinh sống, do triều cường dâng cao có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 100m. Hộ bà Nguyễn Thị Lại có 4 khẩu (1 người già) bị ảnh hưởng, sóng biển đánh trực tiếp vào nhà.

Tại khu vực ven biển khu phố 12, hiện có 10 hộ với 39 khẩu, trong đó 4 trẻ em, 2 người già đang sinh sống có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 300m, nước biển xâm thực gây sạt lở, ảnh hưởng đến 4 hộ và có 1 hộ có nguy cơ cao.

Một nhà dân ở gần biển có nguy cơ sạt lở rất cao (Ảnh: Đắc Phú).

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đỗ Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy phường Mũi Né cho biết: “Sau khi xảy ra sạt lở, UBND phường Mũi Né đã hỗ trợ bà Nguyễn Thị Hồng khu phố 11, hộ bà Nguyễn Thị Lại khu phố 10 khuân vác các tài sản có giá trị, đề nghị cúp cầu giao điện, di dời để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, tuyên truyền vận động các hộ còn lại chủ động theo dõi tình hình, chủ động phòng tránh, di dời tài sản nhất là người già, trẻ em để đảm bảo an toàn. Riêng khu phố 12, sóng biển dâng cao xâm thực, có 4 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng cao.

Địa phương đã triển khai lực lượng phối hợp Đồn Biên phòng Mũi Né, vận động thanh niên hỗ trợ dựng kè chắn, bỏ bi và bao chắn cát để hạn chế nguy cơ. Đồng thời, tuyên truyền vận động các hộ dân chủ động theo dõi tình hình, chủ động di dời để đảm bảo an toàn”.

Người dân chống sạt lở (Ảnh: Đắc Phú).

UBND phường Mũi Né kiến nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tham mưu có giải pháp xây dựng kè chắn sóng, chống sạt lở bờ biển tại phường Mũi Né, Tp.Phan Thiết.

Điều này nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, tình hình biển xâm thực, sạt lở bờ biển, các cơn bão từ nay đến cuối năm và ổn định cuộc sống cho người dân. Kiến nghị hỗ trợ cấp kinh phí để đổ đá làm kè tạm chống sạt lở bờ biển tại các khu vực ven biển có nguy cơ sạt lở cao.