Kinh tế vĩ mô

Bình Thuận: Giải quyết 2 "điểm nghẽn", bứt tốc phát triển kinh tế-xã hội

Bình Thuận đề ra mục tiêu năm 2022 tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7%. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,35%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,08%...

Khai thác hiệu quả các tiềm lực, lợi thế cạnh tranh

Trong năm 2021, tỉnh Bình Thuận thu ngân sách đạt hơn 13.000 nghìn tỷ đồng, vượt 60,86%, trong đó thu nội địa hơn 10.000 nghìn tỷ đồng, vượt 67,0% kế hoạch.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao; thu hút đầu tư xã hội tăng khá (đạt 8,6%), sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển, tăng trưởng 6,1%...; các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc, dự án cảng hàng không Phan Thiết không bị gián đoạn, khối lượng thi công cơ bản đảm bảo…

Theo ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, trước đây tỉnh Bình Thuận thường nhắc đến 2 "điểm nghẽn" cản trở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ nhất là về giao thông, đối ngoại tỉnh không có cao tốc, không có sân bay, không có cảng biển nên việc vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bình Thuận đi các địa phương khác, nhất là các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế khó khăn.

Thứ hai là chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch khác, làm ảnh hưởng việc thu hút, kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án phát triển năng lượng tái tạo, các khu du lịch, khu đô thị ven biển ở những nơi có quy hoạch khai thác và dự trữ titan.

Hiện nay, cảng biển có, cao tốc, sân bay đã được triển khai thi công và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, chồng lấn quy hoạch titan đã có Nghị định số 51/2021/NĐ-CP, ngày 1/4/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để tháo gỡ. Như vậy, những điểm nghẽn về khách quan không còn.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nhiệm vụ chung của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân là điều kiện tiên quyết để phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế; từng bước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với diễn biến, độ bao phủ vắc-xin và khả năng điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh Bình Thuận đề ra mục tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7%, trong đó lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,35%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,08% (trong đó, công nghiệp tăng 11,3%, xây dựng tăng 10,04%); dịch vụ tăng 6,87%, kim ngạch xuất khẩu đạt 727,9 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt 9.488 tỷ đồng.

Xưởng may của một công ty ở tỉnh Bình Thuận.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm như: Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, hồ Sông Lũy giai đoạn 2, hồ La Ngà 3, huyện Hàm Thuận Nam; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (Giai đoạn 2)... Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện trục đường ven biển ĐT 719, ĐT.719B, đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B).

Thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2022, Bình Thuận xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin toàn tỉnh, nâng cao năng lực giám sát, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, đảm bảo sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt an sinh xã hội.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra, còn tập trung ưu tiên một số lĩnh vực như nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, du lịch, công nghiệp, y tế, giáo dục... Công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp, các ngành nhằm để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế thời gian tới.

Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.