Chính sách

Bình Thuận: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong năm 2022

Bình Thuận tăng cường phát triển ứng dụng công nghệ số nhằm minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền.

Theo báo cáo của Sở thông tin và Truyền thông Bình Thuận, trong năm 2021, công tác thông tin tuyên truyền, báo chí, xuất bản đều hướng trọng tâm vào việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng của địa phương.

Các cơ quan báo chí địa phương và thường trú hoạt động trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khá tốt công tác thông tin tuyên truyền.

Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, các phòng ban cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số. Cổng thông tin điện tử tỉnh (https://binhthuan.gov.vn) và các trang thông tin điện tử thành viên đảm bảo theo các quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

Hệ thống nền tảng một cửa điện tử liên thông được tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://motcua.binhthuan.gov.vn/ được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định và dùng chung cho tất cả các Sở, ban, ngành.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sắp tới, Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là đẩy nhanh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ứng dụng công nghệ số nhằm minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Về lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng quản lý báo chí phải đi đôi với phát triển báo chí cách mạng, hỗ trợ báo chí chuyển đổi số, hoạt động báo chí phải đúng tôn chỉ mục đích; duy trì kiểm soát, rà soát để phát hiện, cảnh báo sớm, xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề nóng, nổi cộm và có ảnh hưởng tiêu cực để đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề “Toàn ngành Thông tin và Truyền thông thi đua đổi mới, sáng tạo, đi đầu thực hiện chuyển đổi số để phát triển bền vững”.

Vì vậy, ngành thông tin và truyền thông đứng trước cơ hội lịch sử, tiếp tục kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được trong năm 2021; phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.