Môi trường

Bình Thuận đầu tư công viên sinh thái ngập nước để tạo mảng xanh

Công viên Hùng Vương sẽ tạo ra mảng xanh, khu vui giải trí và là nơi để học sinh, sinh viên, người dân nghiên cứu về hệ sinh thái ngập nước.

Công viên sinh thái ngập nước mục đích tạo ra mảng xanh

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo phương án quy hoạch chi tiết khu vực Dự án 5 (khu Công viên Hùng Vương) thuộc thành phố Phan Thiết.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: Tỉnh Bình Thuận đầu tư khu công viên sinh thái ngập nước mục đích tạo ra mảng xanh, tạo khu vui giải trí và là nơi để học sinh, sinh viên người dân nghiên cứu về hệ sinh thái ngập nước gắn với đầu tư Bảo tàng tỉnh và dời Bảo tàng cũ.

Về quy hoạch chi tiết hạ tầng đường, kè, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất: Kè và đường ven sông gắn với một bến thuyền để người dân đi vào ra; trong tương lai xây dựng có đập giữ nước khi thủy triều lên giữ nước lại và chỉ xả nước xuống vào những thời điểm thích hợp để tạo độ sâu cho đoạn kênh.

Có hệ thống đường dưới thấp kết hợp đường hiện hữu và đường làm mới ở dưới các tán cây thuận lợi cho việc đi lại và kết nối hệ thống kè; một số đoạn thiết kế đường trên cao phục vụ cho người dân đi lại, ngắm cảnh. Tạo ra một luồng lạch có thể đi thuyền vào một số khu vực này của công viên; hệ thống giao thông đi lại phải chú ý cửa lấy nước và thoát nước cho khu công viên.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: TTD).

Bố trí mặt bằng cơ bản theo quy hoạch, khi bố trí có kết hợp mặt bằng tự nhiên và có cải tạo để tạo ra mặt bằng đẹp, trong đó có hồ, mặt đất, cây xanh gắn với tạo hình khu đất trên cao nhìn xuống...

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý thêm về quy hoạch công trình dịch vụ, loại hình dịch vụ, vị trí khu thương mại dịch vụ. Trong quá trình thiết kế thi công cần nghiên cứu dùng vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu giả gỗ, vật liệu tái chế thân thiện với môi trường.

Về công tác đền bù, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất thành lập tổ công tác thu hồi đền bù giải tỏa và chỉ đạo phải quyết tâm thời gian giải tỏa sớm trong tháng 8, 9/2024; ưu tiên giải tỏa trước để thi công công viên và xây dựng Bảo tàng tỉnh.

Nhiều phương án xây dựng công viên Hùng Vương

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận về phương án quy hoạch chi tiết khu vực Dự án 5 (khu công viên Hùng Vương).

Trên cơ sở phương án điều chỉnh quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban QLDA) đã tổ chức lập và trình UBND thành phố Phan Thiết phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu vực dự án 5 (khu công viên Hùng Vương) tại Quyết định số 3782/QĐ-UBND ngày 20/7/2023.

Đến nay, Ban QLDA đã hoàn chỉnh nội dung đồ án quy hoạch chi tiết khu công viên Hùng Vương; đồng thời, phối hợp cùng 3 phường của thành phố Phan Thiết: Phú Thủy, Phú Hài và Thanh Hải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung đồ án quy hoạch chi tiết.

Quá trình triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết, Ban QLDA đã điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh một số nội dung theo phương án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất.

Khu rừng ngập mặn ở thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Đắc Phú).

Cụ thể, bổ sung quy hoạch khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm tỉ lệ từ 5% đến 7% diện tích khu quy hoạch và xác định vị trí phù hợp trong khu vực này để quy hoạch xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

Mở rộng tuyến đường đi bộ bao dọc kênh thoát lũ (8m - 10m) và bổ sung các khoảng không gian nghỉ chân, ngắm cảnh dọc theo tuyến.

Bố trí một hệ thống đường dạo cho cả khu (không bố trí 2 hệ thống khác cao độ) và thay đổi cao độ theo từng vị trí cho phù hợp hiện trạng, nhu cầu dạo mát, ngắm cảnh...; bổ sung phương án, giải pháp chiếu sáng, đảm bảo cảnh quan, an toàn cho khu vực cả ngày và đêm.

Phương án quy hoạch chi tiết khu công viên Hùng Vương đã nghiên cứu và bổ sung hoàn chỉnh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính của đồ án.

Cơ cấu sử dụng đất khu vực công viên sinh thái ngập nước 207.210m2 và khu vực phát triển mới 116.434m2 trong đó gồm: Đất văn hóa, đất thương mại - dịch vụ, quảng trường, hành lang cây xanh bảo vệ và đường ven sông, giao thông, mặt nước.

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo các lớp khác nhau, tạo được tính chuyển tiếp từ khu vực phát triển đô thị bên trong ra đến khu vực bờ sông, bao gồm: Không gian vùng đệm, không gian vùng lõi, hành lang sinh thái ven sông.

Phân vùng cảnh quan gồm 2 khu vực: Khu vực phát triển mới bao gồm: Khu quảng trường trung tâm; Khu công trình văn hóa; Khu công trình thương mại - dịch vụ; hành lang bảo vệ ven sông; Giao thông nội khu và khu vực bãi đậu xe. Khu vực thứ 2 là khu vực bảo vệ hệ sinh thái ngập nước có các cây xanh tự nhiên hiện hữu nằm bên trong, giáp với sông Bình Lợi...

Ngày 7/3, PV Người Đưa Tin đã ghi nhận thực tế tại khu vực chuẩn bị làm công viên Hùng Vương (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Theo quan sát của PV tại đây, rừng ngập mặn Phan Thiết có từ lâu đời, nằm giữa 3 phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài.

Lối vào bên trong rừng ngập mặn. (Ảnh: Đắc Phú).

Khu rừng này đã tái sinh tạo nên mảng xanh rộng lớn với nhiều loại cây kiểu rừng ngập mặn như mắm, đước, bần... phát triển mạnh.

Chim, cò cũng về trú ngụ tại khu sinh thái rừng ngập mặn. (Ảnh: Đắc Phú).

Trong rừng cũng có nhiều loài đặc sản như tôm đất, ba khía, lịch, dộp xanh, cá nước lợ sinh sống... Bên cạnh đó, có nhiều loài chim, cò cũng về trú ngụ nơi đây, tạo nên một hệ sinh thái rất đa dạng.

Quang cảnh khu rừng ngập mặn. (Ảnh: Đắc Phú).

Như vậy, việc hình thành khu vực quảng trường và khu công trình văn hóa bên ngoài đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và mở ra không gian khám phá vào bên trong; bao gồm hệ thống cây xanh mặt nước nguyên trạng được cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường.

Các công trình kiến trúc cảnh quan được phát triển đan cài trong tổng thể đất cây xanh và mặt nước, định hướng dựa trên hệ sinh cảnh tự nhiên của khu vực.

Bên trong rừng ngập mặn. (Ảnh: Đắc Phú).