An ninh - Hình sự

Bình Phước: Diễn biến mới vụ bé trai 9 tuổi bị bạo hành

Công an Tp.Đồng Xoài đã đưa cháu bé 9 tuổi bị người đàn ông bạo hành dã man đi giám định thương tích.

Ngày 13/3, thông tin từ cơ quan CSĐT Công an Tp.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, cơ quan này đã đưa L.T.A (9 tuổi) đi trưng cầu giám định thương tích. Lê Đức Thắng (người đàn ông bạo hành dã man cháu bé 9 tuổi) cũng được cơ quan công an cho thử nhanh ma túy, kết quả âm tính.

Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, rất bức xúc khi xem clip cháu L.T.A bị đánh đập. Khi biết tin, đã chỉ đạo đơn vị chức năng nhanh chóng làm rõ, bắt giữ đối tượng Lê Đức Thắng. Đồng thời, chỉ đạo công an địa phương liên hệ gia đình, chính quyền, đoàn thể nơi cháu L.T.A điều trị để thăm hỏi giúp đỡ.

Các ban nghành đoàn thể đến thăm hỏi và động viên em L.T.A.

Trước đó, tối 12/3, Ban Tuyên giáo - Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Bình Phước cùng các hội, đoàn thể Phường Tân Thiện và Tp.Đồng Xoài đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần L.T.A và mẹ bé là chị Đặng Thị Hơn. Sáng nay (13/3), L.T.A đã quay trở lại trường học, tâm lý bé đã dần ổn định.

Trao đổi với Người đưa tin, chị Đặng Thị Hơn, mẹ cháu A. cho biết, trước đó, mỗi lần bé nghịch ngợm, không nghe lời, ông Thắng có đánh vài roi để dạy dỗ. Sau đó, chị cũng nhắc nhở bé phải nghe lời ông. Ngày bé bị đánh dã man, chị không có ở nhà. Sau khi đi về thì thấy con bị nhiều vết thương nên đã đưa bé đi kiểm tra.  

Hình ảnh được camera ghi lại lúc 18h40 ngày 8/3, ông Thắng đánh đập cháu L.T.A.

Sau đó, chị xem lại camera thì hốt hoảng với hành vi của chồng cũ. Chị có gửi video cho người thân xem để cùng nhắc nhở, răn đe ông không được bạo hành bé A.. Tuy nhiên, sau đó, người thân lại chuyển cho một người khác đăng tải trên mạng xã hội.

Chị Hơn cho biết, bình thường ông Thắng lo làm ăn, chăm lo cho vợ con nhưng có tật nhậu vào hay nóng tính. Khi cháu nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, ông có lên viện thăm nhưng chị Hơn không nói gì.

Bé cũng đã được Công an Tp.Đồng Xoài đưa đi giám định tương tích để phục vụ điều tra. Sau 5 ngày điều trị sức khỏe, tinh thần của bé đã ổn định. Cháu đã muốn đi học trở lại với bạn.

Sau khi bị bắt, ông Thắng khai nhận, chiều 8/3, sau khi nhậu say cùng bạn bè thì ông vào phòng ngủ. Đến khoảng 19h, ông dậy thì thấy A. đang cầm điện thoại của mình chạy ngoài đường, Thắng ra lấy lại rồi tức giận nên đã kéo bé vào nhà đánh.

Trước đó, Người đưa tin đã đưa tin, một đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, ghi lại cảnh người đàn ông liên tục đánh một bé trai. Mặc dù, bé trai liên tục khóc lóc cầu xin nhưng người đàn ông vẫn dùng chân đạp mạnh vào đầu bé trai này. Khi nạn nhân ôm đầu khóc thì tiếp tục bị đánh vào bụng, ngực...

Ông Thắng tại cơ quan công an.

Sau khi đoạn clip được chia sẻ và nhận nhiều bức xúc, Công an nhanh chóng vào cuộc xác minh và xác định vụ việc xảy ra vào ngày 8/3 tại Tp.Đồng Xoài.

Hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đang tạm giữ hình sự Lê Đức Thắng để điều tra hành vi liên quan đến việc bạo hành trẻ em.

Trao đổi với Người đưa tin, luật sư Nguyễn Đăng Minh, Văn phòng Luật sư Đăng Minh Bình Phước, Đoàn Luật sư Bình Phước, cho rằng, căn cứ theo Luật Trẻ em 2016: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Nếu một người có hành vi vi phạm nêu trên thì có thể sẽ phạm tội “Hành hạ người khác” được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 01 đến 03 năm hoặc điều 134 Bộ luật này về tội “Cố ý gây thương tích”, mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù, nếu gây hậu quả chết người, mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 14 năm.

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi hành hạ trẻ em có thể bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Căn cứ theo Điều 52, 53 Nghị định này, cha, mẹ, ông, bà, người thân trong gia đìn có hành vi hành hạ trẻ em sẽ bị xử phạt như sau:

Trường hợp có hành vi đánh đập gây thương tích, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm: Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng. Trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 130/2021/NĐ-CP cũng quy định nhiêu mức phạt cụ thể khác liên quan đến hành vi hành hạ trẻ em như:

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với các hành vi (khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP): Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng với hành vi bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em (khoản 1 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)…

Bạo hành trẻ em là hành vi đáng lên án trong xã hội. Vì thế, để bảo vệ trẻ em tốt nhất, mọi công dân khi nắm bắt được những hành động bạo hành trẻ em hãy nhanh chóng báo ngay cho lực lượng công an địa phương để kịp thời can thiệp và xử lý.