Tiêu dùng & Dư luận

Bình Dương nghiên cứu phương án gỡ khó cho doanh nghiệp "3 tại chỗ"

Tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu phương án giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” hiệu quả, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Tìm phương án cho doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”

​​Trong buổi thăm và làm việc với một số công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới đây, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương đã tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Tỉnh Bình Dương sẽ có phương án "gỡ khó" cho doanh nghiệp để vừa phòng dịch, vừa sản xuất hiệu quả.

Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng phòng quản lý nhân sự công ty TNHH Sài Gòn Stec cho biết, công ty thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" từ 19/7.

Tuy nhiên, ngày 22/7 công ty xuất hiện ca F0 nên phải ngừng sản xuất toàn bộ các phân xưởng đến 9/8. Từ 10/8, công ty chính thức hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" với hơn 3.000 công nhân sản xuất.

Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch được công ty này áp dụng nghiêm ngặt. Các phương án như chia nhỏ các ca làm việc, xét nghiệm sàng lọc, tận dụng khu nhà xưởng, nhà xe công ty để làm chỗ ở cho công nhân đã được triển khai.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, chống dịch của một số công ty trên địa bàn.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay là chi phí y tế, chi phí lưu trú "1 cung đường, 2 địa điểm" và "3 tại chỗ" rất lớn, ảnh hưởng đến chi phí dự án của doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí tiền lương cho người lao động không đồng ý làm việc theo phương án trên và người lao động khác chờ việc trong thời gian công ty bị phong toả cũng là gánh nặng.

Do công nhân chưa được tiêm vắc-xin nên không an tâm làm việc, dẫn đến thiếu nhân lực. Nhà máy phải giảm công suất hoạt động, không đảm bảo đơn hàng với đối tác, thiệt hại rất lớn cho công ty.

Đại diện công ty TNHH Sài Gòn Stec kiến nghị tỉnh Bình Dương xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân trong thời gian này.

Trước tình hình khó khăn chung, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương mong muốn các công ty tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, để Bình Dương sớm trở lại trạng thái bình thường mới sau 31/8.

Đồng thời chỉ đạo các Sở ngành, địa phương có giải pháp xử lý khi xảy ra tình huống có F0 tại doanh nghiệp để vừa khoanh vùng dập dịch, vừa duy trì sản xuất của doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương nghiên cứu phương án, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm".

Cụ thể, tổ chức cho công nhân công ty ở tập trung 1 khu nhà trọ để thực hiện phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" cho thuận tiện, tạo sự an tâm của người lao động.

Đây có thể coi là mô hình thực hiện thí điểm trong điều kiện bình thường mới để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Ngoài ra, ông Lợi thông tin thêm, Chính phủ đang nghiên cứu ban hành các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế...

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên vắc-xin cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" và tổ chức lực lượng đến công ty tiêm cho người lao động.

Nhiều công ty yên tâm triển khai sản xuất “3 tại chỗ”

Ban Giám đốc công ty TNHH Quốc tế Chutex (số 18, đường Thống Nhất, khu công nghiệp Sóng Thần 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, công ty này bắt đầu phương án “3 tại chỗ” từ 9/8.

Theo đó, có gần 300 người lao động trở lại làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” qua hình thức đăng ký tự nguyện tại công ty Chutex. Việc bố trí, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, vệ sinh… cho người lao động được công ty bảo đảm theo quy định phòng, chống dịch.

Trong 10/8, công ty Chutex tổ chức tiêm vắc-xin Moderna mũi đầu tiên cho những người tham gia sản xuất “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, theo đại diện công ty, khu công nghiệp Sóng Thần cho công ty Chutex làm địa điểm tiêm chủng tập trung cho người lao động của khu công nghiệp. Việc thực hiện tiêm chủng sẽ do các y, bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh) đảm nhiệm.

Người lao động sản xuất "3 tại chỗ" tại công ty Chutex được tiêm vắc-xin.

Ông William Chu Yuan Hwa, Giám đốc điều hành công ty Chutex cho biết, công ty đang tiếp tục theo dõi sát các hướng dẫn và quy định của Chính phủ để tính khả năng có thể khôi phục hoạt động vào 16/8 hay không.

Cho đến thời điểm hiện nay, tiêm chủng phòng ngừa vẫn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ người lao động đang tham gia làm việc “3 tại chỗ” tại nhà máy.

“Chúng tôi vẫn đang đăng ký và yêu cầu các ban ngành giúp đỡ để toàn thể người lao động của công ty được tiêm vắc-xin đầy đủ. Tình hình hiện tại thật sự là thử thách đối với tất cả chúng ta. Tôi mong người lao động hãy tiếp tục kiên nhẫn và luôn giữ tinh thần lạc quan vì chắc chắn dịch bệnh này sẽ sớm kết thúc”, ông William Chu Yuan Hwa nói.

Được biết, công ty TNHH Quốc tế Chutex thuộc ngành hàng may mặc, quy mô hơn 6.000 công nhân. Do trước đó công ty này có một số ca F0 nên buộc tạm ngưng hoạt động.

Ông Byun Jae Woong, Tổng Giám đốc công ty Panko Vina (khu công nghiệp Mỹ Phước 3, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, thời gian qua, các công ty hoạt động theo hướng dẫn của bộ Y tế và của tỉnh, người lao động thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp đã luôn quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp và mong muốn trong thời gian sớm nhất công nhân lao động đang ở lại trong công ty sản xuất sẽ được tiêm vắc-xin.

Thời gian tới, công ty tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch để Bình Dương sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bảo vệ sức khoẻ của công nhân, chuyên gia và người dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất tại các doanh nghiệp.

Số ca mắc Covid-19 của tỉnh tuy cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Với sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của bộ Y tế, tỉnh đang nỗ lực hết sức để đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới sau 30/8.

Tỉnh đã triển khai tiêm 160.000 liều vắc-xin cho các chuyên gia và công nhân lao động trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Bình Dương.

Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin cho công nhân trong các doanh nghiệp khi bộ Y tế phân bổ vắc-xin cho Bình Dương.